TP.HCM muốn có thêm 10 khu công nghiệp mới

(PLO)- TP.HCM phải có cơ chế, chính sách hấp dẫn, đột phá, đặc biệt, vượt trội hơn thì việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp mới khả thi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Bản Quản lý) đã có báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 12 của UBND TP.HCM về việc thực hiện giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP đến năm 2025.

Nổi bật trong đó là TP.HCM muốn đưa quỹ đất công nghiệp bổ sung cho TP 10 khu công nghiệp (KCN) mới.

Bổ sung 10 khu công nghiệp mới cho TP.HCM

Theo báo cáo, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM đã phối hợp với Sở QHKT, Sở KH&ĐT, Viện Nghiên cứu phát triển TP và Ban Quản lý Dự án quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa quỹ đất công nghiệp bổ sung cho TP 10 khu công nghiệp (KCN) mới với diện tích khoảng 2.465 ha. Điều này được bổ sung vào Quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung của TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đề xuất các giải pháp để hình thành thêm khoảng 800 ha đất công nghiệp để thu hút đầu tư các khu công nghiệp chuyên đề, công nghiệp kỹ thuật cao. Đơn cử như Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 và Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II.

Theo đó, KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 (diện tích 596,93 ha tại huyện Nhà Bè) được UBND TP giao Sở TN&MT TP chủ trì, phối hợp Cục Thuế TP tham mưu thời gian hoàn thành việc xác định giá cho thuê đất hàng năm.

khu công nghiệp.jpg
Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. Ảnh: HG

Còn KCN Lê Minh Xuân mở rộng - giai đoạn 1 (diện tích 89,5 ha) đang vướng mắc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

KCN Lê Minh Xuân 2 (diện tích 338 ha), Ban Quản lý KCN-KCX được yêu cầu tham mưu kế hoạch triển khai KCN này.

Đối với KCN Phạm Văn Hai I (diện tích 379 ha) và II (diện tích 289 ha) tại huyện Bình Chánh, Sở TN&MT TP, Sở KH&ĐT TP tham mưu cho UBND TP giải quyết các vướng mắc liên quan.

Trong bối cảnh các dự án KCN trên địa bàn TP.HCM hiện vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, vướng tài sản công... Ban Quản lý đã báo cáo UBND TP và đang phối hợp với các sở, ngành để đề xuất các giải pháp xác định giá đất, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và xác định việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các KCN nêu trên.

Về công tác thu hút vốn đầu tư, Ban Quản lý cho biết tính đến đầu tháng 12-2024, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 491,70 triệu USD, đạt 89,40% kế hoạch năm (550 triệu USD), giảm 51,43% so với cùng kỳ (1.012,26 triệu USD).

Diện tích đất cho thuê đạt 25,35 ha; diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 80.261 m². Suất đầu tư trung bình 8,5 triệu USD/ha. Dự ước hết năm 2024 tổng vốn đầu tư thu hút đạt 550 triệu USD, đạt 100% Kế hoạch. Dự kiến trong năm 2025, tổng vốn thu hút đầu tư đạt 550 triệu USD.

Một số dự án có vốn đầu tư lớn trong KCX, KCN đang triển khai, khi đi vào hoạt động, dự kiến sẽ sử dụng vốn đầu tư khoảng 23.700 tỉ đồng.

TP.HCM khó làm khu công nghiệp mới quy mô lớn

Trao đổi với PV PLO, TS Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết TP.HCM hiện có 21 KCN. Nhìn chung, thách thức trong việc phát triển KCN hiện nay không phải là vấn đề thiếu nhà đầu tư mà là quá trình triển khai liên quan đến đất đai, đặc biệt là thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, câu chuyện chuyển đổi mô hình KCN...

Bên cạnh đó, tiêu chí KCN của TP.HCM cao hơn các tỉnh lân cận, khách hàng đặc thù hơn, tiêu chuẩn khó hơn, các vấn đề về môi trường, công nghệ cũng phức tạp hơn. Điều này dẫn đến TP.HCM khó phát triển KCN hơn các tỉnh khác vì KCN của TP hướng đến công nghệ cao, ít khí thải, phát triển xanh, các dịch vụ chuỗi cung ứng, sáng tạo giá trị gia tăng....

Đặt trong hệ sinh thái chung của khu vực Đông Nam Bộ như các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... đã phát triển mạnh KCN thì TP.HCM không còn nhiều quỹ đất để phát triển KCN lớn. Nói cách khác, TP không còn lợi thế với các tỉnh xung quanh để xây dựng KCN và thu hút doanh nghiệp.

Thay vào đó, việc xây dựng các KCN với quy mô nhỏ vẫn phù hợp và cũng phải tập trung theo đúng mục tiêu là thu hút các ngành công nghệ cao như điện tử, cơ khí chính xác, viễn thông.

Về vấn đề bổ sung 10 KCN cho TP.HCM, ông Nghĩa nhận định nguyên tắc trong chiến lược phát triển của TP.HCM không thể thiếu công nghiệp, tất yếu phải phát triển các ngành công nghiệp nhưng phải xác định đó là công nghiệp gì.

Hiện nay, TP.HCM trong chiến lược phát triển KCN mới như đứng ở ngã ba đường bởi nếu áp cơ chế chính sách cũ để phát triển KCN mới thì sẽ khó thu hút đầu tư. Chúng ta cần đặt ra bài toán TP phải có cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, đột phá hơn, đặc biệt hơn, vượt trội hơn thì mới khả thi. Bên cạnh đó, TP.HCM cần rà soát, xem xét lại Nghị Quyết 98, các cơ chế đặc thù để có cách thức triển khai, chọn chủ đầu tư phù hợp để đạt đúng mục tiêu như mong đợi.

- TS Huỳnh Phước Nghĩa-

Ông Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM nhận định việc phát triển các KCN trên địa bàn TP.HCM là cấp thiết, tạo động lực phát triển bền vững cho TP trong bối cảnh nhu cầu về việc làm cho người lao động, nhu cầu cung cấp hàng hóa sử dụng trong nước và xuất khẩu ngày càng gia tăng.

"Song song với đó, các loại hình sản xuất mới hiện nay đòi hỏi nhiều yếu tố như mặt hàng mới, công nghệ mới, thiết bị mới, phần mềm mới... đặt ra vấn đề TP.HCM phải phát triển thêm các KCN mới sao cho phù hợp với xu hướng thời đại" - ông Mười nhận định.

Bên cạnh đó, TP phải có năng lực gỡ vướng theo nguyên tắc vướng ở đâu gỡ ở đó để tạo quỹ đất sạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư. KTS Khương Văn Mười đánh giá TP có nhiều giải pháp để thu hút nhà đầu tư, đơn cử như giải pháp về tín dụng, thủ tục tài chính, ưu đãi về thuế.

Song song với đó, TP.HCM phải tạo hành lang pháp lý, điều kiện rõ ràng, thuận lợi cho nhà đầu tư. Ngoài ra, một giải pháp quan trọng không kém đó là loại hình đầu tư phù hợp với xu thế hiện nay cũng là vấn đề nên được lưu tâm.

Tóm lại, bộ giải pháp về công tác quản lý Nhà nước là yếu tố then chốt, quyết định để thu hút nhà đầu tư có năng lực vào các dự án KCN trên địa bàn TP.HCM.

Cùng quan điểm, TS Võ Kim Cương - nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM nhận định các dự án KCN cần được ưu tiên phát triển trong quy hoạch, định hướng của TP. Hiện nay, KCN dùng nhiều lao động không còn là xu hướng mà thay vào đó là các KCN cao, công nghệ AI... nhưng hầu hết KCN ở TP.HCM đã hoạt động 10-20 năm, quy hoạch đến nay đã lạc hậu so với tiêu chuẩn mới.

"Từ thực tế đó, TP.HCM cần rà soát lại quy hoạch, nhu cầu phát triển để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả sử dụng của các KCN, từ đó mới tìm ra hướng đi để phát triển KCN trong bối cảnh mới. Ngoài ra, khi nghiên cứu phát triển các KCN cũng cần tính toán kỹ đầu ra để phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, tránh lãng phí" - ông Cương đề xuất.

Hoàn thành đề án thí điểm chuyển đổi 5 KCX-KCN

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCX và KCN TP.HCM, để thực hiện đề án chuyển đổi thí điểm 5 KCX, KCN (Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu, Hiệp Phước), UBND TP đã có chủ trương giao cho các công ty xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng là đơn vị trực tiếp chủ trì thực hiện.

Ngoài ra, TP đã thành lập Tổ công tác và Tổ Biên tập xây dựng đề án cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ chuyển đổi 5 KCX, KCN trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm