Chiều 25-8 đã diễn ra cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm (trái) và Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Lê Thiện Quỳnh Như phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: NGUYỄN NHÂN |
31-8 kết thúc nhận hồ sơ hỗ trợ nhà trọ
Tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Nguyễn Văn Lâm đã thông tin về tình hình chi trả tiền nhà trọ cho người lao động (NLĐ) trên địa bàn TP.
Theo ông Lâm, hiện có 70.600 lượt doanh nghiệp (DN) được tiếp nhận hồ sơ, gần 1,7 triệu NLĐ với số tiền tương ứng hơn 974 tỉ đồng. Trong đó đã phê duyệt quyết định hỗ trợ cho 44.500 DN với 185.500 NLĐ, tương ứng với 655 tỉ đồng, chiếm 67%.
Về thực hiện giải ngân, có 24.300 lượt DN với 770.000 NLĐ, tương ứng với 417 tỉ đồng, chiếm 43%.
Đáng chú ý, ông Lâm cho biết tính đến thời điểm báo cáo, số kinh phí dự kiến phát sinh là hơn 974 tỉ đồng. Lý do khách quan là do DN thay vì gửi bưu điện đến địa chỉ A thì lại gửi đến B, sau đó mới từ địa chỉ B chuyển về lại địa chỉ A khiến hồ sơ đến nơi sau ngày 15-8.
Trước tình hình này, Sở LĐ-TB&XH TP yêu cầu nếu theo dấu bưu điện đóng trên hồ sơ trước ngày 15-8 thì phải tiếp nhận và giải quyết cho NLĐ.
Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP cũng khẳng định để đảm bảo tiến độ thực hiện chi trả tiền hỗ trợ nhà trọ cho NLĐ, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản khẩn gửi chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức để các địa phương đẩy nhanh tiến độ và kết thúc việc này vào ngày 31-8.
Ông cũng thông tin quận, huyện nào có tỉ lệ giải ngân thấp thì Sở LĐ-TB&XH sẽ đến kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ.
Quận, huyện nào có tỉ lệ giải ngân thấp thì Sở LĐ-TB&XH sẽ đến kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, chuyển tiền hỗ trợ nhà trọ đến NLĐ.
Thuốc điều trị thận hư cho trẻ: Chờ Bộ Y tế, BHXH Việt Nam
Cũng tại cuộc họp báo, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như đã thông tin về việc chi trả bảo hiểm y tế đối với thuốc dùng điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em.
Theo bà Như, sau khi Sở Y tế nhận được phản ánh của các đơn vị về cơ quan BHXH tạm ngưng thanh toán thuốc Mycophenolate trong điều trị thận hư ở trẻ em thì sở này đã có công văn gửi BHXH TP.HCM.
Sau đó, BHXH TP.HCM đã trả lời Sở Y tế rằng: Thuốc Mycophenolate được thanh toán bảo hiểm y tế theo hướng dẫn phù hợp với chỉ định trong tờ hướng dẫn thuốc, kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép trong điều kiện hội chứng thận hư nguyên phát ở người trưởng thành cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Cạnh đó là đã điều trị hội chứng thận hư tiên phát ở trẻ em trong trường hợp không đáp ứng với thuốc Prednisolon trong ít nhất sáu tháng.
Bà Như cho biết với trường hợp sử dụng thuốc Mycophenolate ngoài chỉ định trong tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép hoặc chưa có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế thì Sở Y tế và BHXH TP.HCM sẽ phải phối hợp.
Cụ thể, Sở Y tế đã họp với ba bệnh viện nhi trên địa bàn TP gồm Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP để cập nhật phác đồ điều trị dựa trên tình hình thực tế hiện nay, theo y văn và sau đó gửi công văn về Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị cập nhật phác đồ.
Đồng thời, BHXH TP.HCM cũng có công văn gửi BHXH Việt Nam về việc sử dụng thuốc Mycophenolate ngoài các quy định của Bộ Y tế.
Hiện Sở Y tế TP và BHXH TP.HCM vẫn đang chờ ý kiến của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.•
Không bắn pháo hoa, dành tiền chăm lo cho người dân
Tại buổi họp, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, đã thông tin về kế hoạch tổ chức lễ hội “tết Độc lập” kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 – 19-8-2022), Quốc khánh 2-9, 77 năm ngày Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền (25-8-1945 – 25-8-2022).
Ông Võ Trọng Nam thông tin lễ Quốc khánh năm nay TP.HCM sẽ không có hoạt động bắn pháo hoa. “Trên tinh thần nghĩa tình của TP, tròn một năm vượt qua đại dịch, lãnh đạo TP thấy rằng nên để việc bắn pháo hoa vào một dịp khác để chăm lo cho đời sống của người dân nhiều hơn” - ông Nam khẳng định.