Ngày 28-5, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn về tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM. Văn bản này bổ sung, hoàn thiện các giải pháp hơn so với văn bản vào chiều ngày 27-5.
TP.HCM có văn bản khẩn bổ sung các nội dung phòng dịch. Ảnh: L.THOA
Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục tạm dừng các hoạt động không thiết yếu đã được quy định trước đó.
Bên cạnh đó, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống: tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chi phục vụ hình thức bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Cơ sở kinh doanh vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với các cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể: thực hiện theo hướng dẫn của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.
Riêng đối với nhà hàng trong khách sạn được phép phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú tại khách sạn. Tuy nhiên, phải bố trí chỗ ngồi thông thoáng, đảm bảo giãn cách giữa hai người là từ 2m trở lên, không phục vụ quá 20 người cùng một thời điểm.
TP.HCM cũng chỉ đạo tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tập trung từ 10 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
TP.HCM cách ly nhiều khu vực có người nghi nhiễm COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI
Thời gian áp dụng các nội dung nêu trên bắt đầu từ ngày 28-5 cho đến khi có thông báo mới.
Cũng theo văn bản này, UBND TP.HCM đã yêu cầu hệ thống bệnh viện, phòng khám cảnh giác cao nhất đối với dịch bệnh. Sở Y tế phải chủ động hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức phân luồng, khám chữa bệnh tại các bệnh viện, phòng khám, việc mua bán thuốc tại các nhà thuốc trên địa bàn TP. Từ đó hỗ trợ tốt cho việc truy vết và phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm COVID-19.
UBND TP cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra, đảm bảo việc tổ chức các kỳ thi cuối cấp an toàn, đảm bảo thực hiện đẩy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Đối với hoạt động giao thông vận tải, UBND TP giao Sở Giao thông vận tải chủ động theo dõi tình hình và quyết định việc tạm ngưng hoạt động các tuyến vận tải hành khách đường bộ cho phù hợp với tình hình thực tế hoặc chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và báo cáo UBND TP.
Trước đó, chiều 27-5, UBND TP.HCM đã yêu cầu tạm dừng các loại hình hoạt động không thiết yếu như spa; cơ sở làm đẹp (cắt – uốn tóc nam nữ, nail...); phòng khám và bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; nhà hàng ăn uống; các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện (vẫn cung cấp tài liệu qua internet); các hoạt động tại phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng; các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao ngoài trời tập trung trên 10 người.