Ngày 17 – 1, UBND TP.HCM đã có ý kiến về việc đầu tư bãi đậu xe thông minh cao tầng lắp ghép trên địa bàn TP.
Theo đó, trong thời gian chưa triển khai đầu tư xây dựng các công trình theo quy hoạch được duyệt, UBND TP.HCM chấp thuận về nguyên tắc đầu tư xây dựng và khai thác tạm các bãi đậu xe thông minh ở các vị trí đất đủ điều kiện để phục vụ nhu cầu dừng đậu xe tại khu trung tâm TP.HCM theo như đề xuất của Sở Giao thông Vận tải.
UBND TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các sở ngành nghiên cứu, xác định cụ thể các vị trí đất đủ điều kiện, thời hạn khai thác tương ứng và hình thức đầu tư phù hợp để hướng dẫn các nhà đầu tư có quan tâm thực hiện theo quy định.
Mô hình bãi đậu xe thông minh phía sau Nhà hát TP.HCM
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho đầu tư xây bãi đậu xe cao tầng lắp ghép tại các khu đất thuộc công trường Lam Sơn ở phía sau Nhà hát TP.HCM. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển hệ thống đậu xe thông minh En – Parking Japan.
Bãi đậu xe 9 tầng có tổng mức đầu tư 161 tỉ đồng. Dự án có tổng diện tích xây dựng hơn 6.000 m2 với sức chứa 168 ôtô. Bãi xe được trang bị hệ thống đậu xe thông minh sử dụng robot tự động xếp xe. Hình thức đầu tư dự án được đề xuất theo hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh.
Dự kiến tiến độ thi công xây dựng công trình tối đa 14 tháng. Thời gian xây dựng, khai thác công trình dự kiến trong 30 năm. Theo tính toán sơ bộ, sau 23 năm dự án sẽ được thu hồi vốn. Tổng mức đầu tư dự án là 161 tỉ đồng.
Đơn giá giữ ôtô dự kiến là 27.000 đồng mỗi xe một giờ. Giá giữ xe theo ngày là 468.000 đồng. Một tháng là gần 12 triệu đồng và một năm là hơn 121 triệu đồng.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng, theo quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu thành phố đã được phê duyệt thì vị trí khu đất đề xuất xây dựng bãi đậu xe thuộc đất công viên cây xanh. Do vậy, đề xuất đầu tư xây dựng bãi đậu xe cao tầng lắp ghép tại ví trí công trường Lam Sơn là chưa phù hợp với quy định.
Tương tự, liên danh Công ty Cổ phần Tân Phát – Công ty Cổ phần Đầu tư Khai Thác Cảng – Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Thái Sơn cũng đề xuất đầu tư bãi đỗ xe thông minh cao tầng lắp ghép trong khu vực bãi trung chuyển xe buýt công viên 23 Tháng 9 với hình thức thuê đất, đầu tư xây dựng công trình với thời gian thuê 8 – 10 năm. Khi có chủ trương thực hiện theo quy hoạch, nhà đầu tư sẽ hoàn trả lại mặt bằng cho TP.HCM.
Sở Giao thông Vận tải đề nghị TP.HCM chỉ cho phép đầu tư xây dựng bãi đậu xe thông minh cao tầng lắp ghép tại các khu đất thuộc công trường Lam Sơn, bãi trung chuyển xe buýt công viên 23 Tháng 9 theo hình thức cho xây dựng và khai thác có thời hạn cho đến khi nhu cầu đậu xe tại trung tâm giảm đi, vận tải hành khách công cộng phát triển sẽ hoàn trả mặt bằng để thực hiện theo quy hoạch.
Trong khi đó, Sở Xây dựng TP.HCM, UBND quận 1, Cục thuế TP.HCM đều thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư về việc cho xây dựng hai dự án bãi đậu xe thông minh.
Riêng Sở Tài chính TP.HCM thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư nhưng yêu cầu nghiên cứu lại phí giữ ôtô và làm rõ phương án tài chính của từng dự án.
Còn Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cho rằng, khu vực trung tâm đã được TP.HCM phê duyệt và khu đất phía sau Nhà hát TP.HCM là đất công viên cây xanh, một công trình văn hóa lịch sử có giá trị quan trọng. Vì vậy việc xây dựng tòa nhà để xe với quy mô 9 tầng là không phù hợp.