Sở GTVT TP.HCM cho biết thời gian qua sở đã có nhiều giải pháp siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ. Trong năm 2024, sở tiếp tục thanh tra, kiểm tra nhiều đơn vị kinh doanh vận tải.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Theo Sở GTVT, trong năm 2023, ngành giao thông đã chủ trì phối hợp với các đơn vị triển khai các nhiệm vụ nhằm tăng cường bảo đảm trật tự hoạt động vận tải bằng ô tô trên địa bàn TP. Từ đó xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 về việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do Sở GTVT phụ trách.
Sở GTVT TP cũng đã tổ chức rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường, khu vực thường xuyên có tình trạng xe đón trả khách không đúng quy định để phục vụ công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh. Đồng thời tổ chức vành đai hạn chế xe khách có giường lưu thông trong phạm vi TP.
Theo Sở GTVT, trong năm 2023, sở đã thành lập đoàn tiến hành thanh tra một đơn vị kinh doanh vận tải và kiểm tra 13 đơn vị kinh doanh vận tải (trong đó có Công ty TNHH Thành Bưởi).
Qua thanh tra, kiểm tra, sở đã thu hồi 164 giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô đối với các đơn vị kinh doanh vận tải. Theo dõi, trích xuất dữ liệu và quyết định thu hồi 17.361 phù hiệu, biển hiệu đối với xe của các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Thanh tra giao thông TP.HCM cho biết trong năm 2023, đơn vị đã phối hợp kiểm tra lập biên bản 5.374 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với số tiền xử phạt hơn 21,5 tỉ đồng. Riêng về hoạt động vận tải hành khách, Thanh tra giao thông đã lập biên bản 2.719 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt hơn 4 tỉ đồng.
Đã giảm tình trạng đón trả khách sai quy định
Đánh giá về hoạt động vận tải, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, cho biết thời gian qua, hoạt động vận tải bằng ô tô đã có những chuyển biến rõ rệt.
Cụ thể, tình trạng vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô đã giảm; số lượng điểm đón trả khách không đúng quy định cũng giảm so với cùng kỳ. Theo thống kê của Thanh tra Sở GTVT thì giảm từ 76 điểm xuống còn 60 điểm có dừng đón trả khách sau khi triển khai cấm xe có giường hoạt động từ 6-22 giờ ở nội đô TP.
Ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị vận tải, đội ngũ tài xế đã có chuyển biến rõ rệt. Nhiều đơn vị vận tải đã chủ động rà soát, xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ để chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật, hoạt động không đúng quy định. Không chỉ vậy, sản lượng hành khách tại các bến xe liên tỉnh năm 2023 đạt kết quả khả quan (tăng 10% lượt xe và tăng 26% lượt khách so với cùng kỳ).
Báo chí cũng có phản ánh nhiều điểm “xe dù, bến cóc”, Sở GTVT cũng tiếp nhận phản ánh và hiện đã lên kế hoạch kiểm tra nhiều đơn vị trong năm 2024. Trong đó sẽ để thanh tra 14 đơn vị, lập đoàn kiểm tra năm đơn vị.
Trước thực trạng trên, TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT sớm trình Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Nghị định 10/2020 về một số vấn đề còn tồn tại, bất cập liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô.
TP cũng đề nghị Bộ Công an tiếp tục triển khai hệ thống camera giám sát giao thông là đo tốc độ phục vụ xử lý vi phạm hành chính trên các tuyến quốc lộ. Đồng thời chỉ đạo Cục Đường bộ khẩn trương xây dựng và nâng cấp phần mềm quản lý vận tải và hệ thống thiết bị giám sát hành trình, camera đảm bảo tích hợp liên thông dữ liệu để phục vụ công tác quản lý.
Sở GTVT TP cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tại các bến bãi, điểm đón trả khách theo thẩm quyền quản lý. Từ đó kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm nhằm chấn chỉnh tình trạng hình thành bến bãi, tổ chức đón trả khách không đúng quy định.•
Xây dựng kế hoạch xử lý “xe dù, bến cóc”
Trong buổi kiểm tra các công tác đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán (ngày 29-1), ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đánh giá cao TP.HCM trong tác chỉ đạo, rà soát, xác minh và xử lý “xe dù, bến cóc” trên địa bàn TP.
Theo ông Hùng, TP.HCM cần có một cơ quan đầu mối để chủ trì để tham mưu xây dựng kế hoạch và kết quả xử lý “xe dù, bến cóc”. Từ đó có báo cáo kết quả thực hiện định kỳ cho chủ tịch UBND TP.HCM và các bộ, ngành. Đồng thời, TP cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.