Ngày 20-7, TAND TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề rút kinh nghiệm án hủy, sửa trong lĩnh vực dân sự, hành chính toàn ngành với thẩm phán và hội thẩm. Dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị từ TAND Tối cao, TAND Cấp cao tại TP.HCM và đại diện VKS cùng cấp.
Hàng trăm bản án, quyết định bị hủy, sửa
Lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết từ 1-6-2015 đến 30-12-2019 có 209 bản án, quyết định dân sự, hành chính bị TAND Cấp cao hủy, sửa theo thủ tục phúc thẩm. Chủ yếu là các loại tranh chấp về thừa kế, quyền sử dụng đất, đòi nhà, đòi tài sản, hợp đồng vay tài sản và chia tài sản chung.
Đối với án kinh doanh thương mại, chủ yếu là các loại tranh chấp về hợp đồng tín dụng, hợp đồng hợp tác đầu tư, thuê tài sản, tranh chấp thành viên công ty, hợp đồng góp vốn.
Với án hành chính, chủ yếu là khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đây là lĩnh vực có tính đặc thù bởi TP.HCM đang triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư phải thu hồi đất, dẫn đến phát sinh khiếu kiện hành chính. Chính sách, pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi, tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép diễn ra phổ biến, nhất là tại các quận, huyện đang trong quá trình đô thị hóa.
Tương tự, 234 vụ, việc dân sự bị hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm là các tranh chấp hợp đồng vay tài sản, quyền sử dụng đất, đòi tài sản, thừa kế.
76 quyết định giám đốc thẩm kinh doanh thương mại bị hủy chủ yếu là các tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng thuê nhà, quyền sử dụng đất, hợp đồng vay tài sản.
Còn 32 quyết định giám đốc thẩm về hành chính chủ yếu là quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai và bồi thường giải phóng mặt bằng.
Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong. Ảnh: HY
Sai sót trong quá trình xét xử
Đại diện TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng phân tích một số sai sót trong quá trình xét xử sơ, phúc thẩm TAND TP.HCM bị kháng nghị. Đối với án dân sự là xác định thiếu người tham gia tố tụng, xác định không đúng thẩm quyền xét xử.
Phần lớn việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án của TAND TP.HCM là đúng nhưng cũng có những trường hợp xác định không chính xác dẫn tới bản án bị cấp có thẩm quyền hủy.
Ngoài ra còn có việc hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án không đúng. Bản án sơ thẩm không có căn cứ pháp luật, xử lý tài sản thế chấp không đúng pháp luật. Hay sự việc đã được giải quyết bằng quyết định hành chính có pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng tòa án vẫn thụ lý giải quyết lại…
Với án hành chính là tình trạng chưa áp dụng đúng các quy định của pháp luật. Cụ thể là xác định thời điểm và căn cứ áp dụng pháp luật trong các lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất, tính thuế sai.
Đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ nên quyết định trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Hay chưa tạo điều kiện để các bên đương sự thương lượng, đối thoại, tuyên quyết định hành chính là trái pháp luật nhưng không giải quyết triệt để, gây khó khăn cho việc thi hành án.
Rút ra nguyên nhân và tìm giải pháp
Từ đó, TAND Cấp cao đề nghị tổ chức các phiên họp để rút kinh nghiệm xét xử, chỉ ra những sai sót và hướng khắc phục và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật khi giải quyết án.
Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cho biết đơn vị đã nỗ lực tổng hợp các bản án bị hủy, sửa, rút ra được các nguyên nhân và tìm giải pháp.
Nguyên nhân một là xác định không đúng quan hệ tranh chấp trong vụ án dân sự. Hai là thu thập, xác minh đánh giá chứng cứ chưa đúng, chưa đầy đủ. Ba là không giải quyết tài sản trên đất tranh chấp dẫn đến bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật không thi hành án được. Bốn là giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo hoặc không xem xét, giải quyết đầy đủ các yêu cầu của đương sự. Năm là vi phạm trong việc xác định tư cách đương sự và đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng…
Có nhiều vụ việc tương tự nhau về tình tiết pháp lý nhưng khác nhau về đường lối xét xử. Thực tiễn xét xử án hành chính của TAND TP.HCM đã gặp một số khiếu kiện có các tình tiết pháp lý tương tự nhau nhưng khi cấp trên xét xử vụ án theo trình tự giám đốc thẩm không nhất quán trong đường lối xét xử. Khi các thẩm phán giải quyết lại vụ án có sự e dè, chần chừ, không tích cực giải quyết.
Ngoài ra còn có một số sai sót khác như vi phạm trong ban hành quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ không có căn cứ, không phù hợp với quy định của pháp luật. Đa số vụ án cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm hủy án sơ, phúc thẩm để giải quyết lại đều đã chỉ ra những sai sót và định hướng khi giải quyết lại vụ án.
Tuy nhiên, vẫn có một số vụ án không định hướng cụ thể, định hướng nhưng không thể thực hiện hoặt phát sinh những tình tiết mới như bản án đã được thi hành, hiện trạng tài sản tranh chấp đã có sự dịch chuyển… gây khó khăn cho tòa án khi giải quyết lại. Có vụ kết quả xét xử lại nội dung không thay đổi gì khác so với ban đầu.
Thẩm phán nên tìm thêm giải pháp riêng Tại hội nghị, Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang đánh giá cao năng lực của đội ngũ thẩm phán, lãnh đạo TAND hai cấp TP.HCM. Ông Quang chia sẻ áp lực của một đơn vị gánh lượng án 1/6 của cả nước. Đánh giá về hội nghị, ông Quang cho rằng tòa đã rút ra được các nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề ra các giải pháp khắc phục như các tham luận trình bày. Cạnh đó, ông Quang mong muốn bản thân mỗi thẩm phán nên tiếp tục trao đổi và đi tìm thêm những giải pháp riêng. Cũng tại hội nghị, ông Tống Anh Hào, thẩm phán TAND Tối cao, cũng trình bày triển khai Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án. |