TP.HCM trong quy hoạch tổng thể quốc gia

(PLO)-  TP.HCM và các tỉnh, thành cần “phân vai” hợp lý để tối ưu hóa các lợi thế so sánh, mang lại hiệu quả tốt nhất cho việc thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Kết luận số 45-KL/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Ban cán sự đảng Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện quy hoạch này để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Để quán triệt và triển khai có hiệu quả Kết luận 45 nói trên, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành Chương trình hành động với các nội dung cụ thể.

5 nội dung cốt lõi

Quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp quy hoạch tích hợp là quá trình chiêm nghiệm và lựa chọn định hướng phát triển cho nhiều năm tiếp theo trên nhiều lĩnh vực. Định hướng phát triển phải chú trọng tới tầm nhìn dài hạn và ưu tiên cho các dự án, kế hoạch, chương trình phù hợp với tầm nhìn dài hạn, đồng thời tạm gác lại những ý tưởng ít phù hợp, ít cấp bách hơn.

Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 được thực hiện chỉn chu, toàn diện, cấu trúc logic chặt chẽ, thể hiện đúng tầm nhìn, phương hướng phát triển địa phương trong thời gian sắp tới. Có năm nội dung cốt lõi nhất cần được bao phủ.

Thứ nhất, phân vùng, trục tăng trưởng, hành lang kinh tế làm cơ sở để thực hiện các quy hoạch khác như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, địa phương. Thứ hai, có các kịch bản phát triển và các mục tiêu trong các lãnh vực.

Thứ ba, cân bằng giữa phát triển kinh tế và các vấn đề an sinh xã hội/môi trường. Cạnh đó, phải bổ sung các vấn đề mới đang là xu hướng phát triển của khu vực-quốc tế như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Và cuối cùng, cần đề xuất danh sách các dự án trọng điểm quốc gia (trong dự thảo quy hoạch của Bộ KH&ĐT cùng với phân kỳ giai đoạn thực hiện; danh sách này cũng có nhiều điểm tương tự với danh sách 50 dự án trọng tâm 2023-2025 của TP.HCM).

TP.HCM đang triển khai nhiều quy hoạch quan trọng, trong đó có lập Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: HÀ THANH

TP.HCM đang triển khai nhiều quy hoạch quan trọng, trong đó có lập Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: HÀ THANH

Chương trình hành động của TP.HCM

TP.HCM đang triển khai nhiều quy hoạch quan trọng, trong đó có lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 642 của Thủ tướng và nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 theo Quyết định 1528 của Thủ tướng.

Trước đó, Bộ chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ, trong đó tập trung vào triển khai thực hiện các giải pháp mạnh mẽ tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại.

Nghị quyết ưu tiên phát triển một số công trình hạ tầng trọng điểm TP và vùng về giao thông, kết nối với hạ tầng các tỉnh vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, và các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, đáp ứng yêu cầu của một đô thị đầu tàu kinh tế của cả nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng; xây dựng và triển khai chiến lược phát triển hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông.

Thực tế cho thấy TP.HCM đang bị chính các đô thị trong Vùng TP.HCM cạnh tranh do không có “nhạc trưởng” điều phối vùng, nói cách khác là chưa có phân vai. Ví dụ, khu vực đô thị Tây Bắc TP.HCM (Củ Chi) nằm giữa hai “thủ phủ” công nghiệp là Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) và Mỹ Phước (Bình Dương), vậy nên thay vì cạnh tranh bằng công nghiệp, TP.HCM có thể sẽ cung ứng dịch vụ cho hai khu công nghiệp đó (như hạ tầng dịch vụ).

Tương tự, cảng Hiệp Phước nếu không đủ sức cạnh tranh với cảng quốc tế ở Long An hay cảng nước sâu Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu thì cần xem xét lại mô hình đô thị cảng.

Như Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi từng phát biểu, TP cần tập trung vào bảy vấn đề chủ đạo cần quy hoạch và phát triển nhìn từ lợi ích chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng Đông Nam bộ.

Một là nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ theo quyết định số 463/2022 của Thủ tướng. Hai là hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc. Ba là liên kết triển giao thông vùng, từ đường bộ, đường thuỷ đến đường sắt. Bốn là liên kết bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ các hệ sông ngòi, xử lý chất thải công nghiệp và sinh hoạt; thích ứng biến đổi khí hậu…

Năm là liên kết phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung của Vùng, như Trung tâm đại học - đào tạo nghề; trung tâm công nghệ-dịch vụ nền tảng của thị trường lao động. Sáu là liên kết phát triển hạ tầng chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng về kinh tế-xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết vùng.

Cuối cùng, cần hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển TP và đầu tư phát triển TP để giữ vững vai trò đầu tàu của Vùng và cả nước, trọng tâm là tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, đồng thời xây dựng và ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với những cơ chế đặc thù, vượt trội. Trong đó, tập trung đầu tư để TP trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trung tâm Logistics; trung tâm khoa học - đổi mới sáng tạo; trung tâm chăm sóc sức khỏe...

Đa dạng hóa cơ chế huy động nguồn lực xã hội

TP.HCM cần ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa xã hội một cách đồng bộ, hiện đại; chú trọng khai thác hiệu quả không gian ngầm đô thị. Việc hình thành danh mục các chương trình, dự án và phân kỳ thực hiện phải phù hợp với nhu cầu và nguồn lực; có cơ chế huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm đảm bảo tính khả thi và đồng bộ của quy hoạch.

Gần đây nhất, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 154 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã kiến nghị cần thành lập Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp từ các nhà tài trợ quốc tế, ngân sách Trung ương và địa phương để giải quyết nhanh hơn các dự án giao thông trong vùng Đông Nam bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm