Sáng 1-3, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục phiên xử sơ thẩm vụ Lê Thị Hạnh (ngụ huyện Bàu Bàng, giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đức Hạnh) bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 35 tỉ đồng của Techcombank Chi nhánh Bình Dương.
Công ty giám định: 2 lô hàng thế chấp khác nhau
Trong phần xét hỏi buổi sáng, HĐXX tập trung làm rõ về những chứng thư kết quả của Công ty Cổ phần Giám định Vinacontrol TP.HCM - đơn vị đã giám định chất lượng lô hàng tiêu thế chấp của Công ty Đức Hạnh. Trong vụ án này, Công ty Cổ phần Giám định Vinacontrol tham gia với tư cách là người làm chứng.
Theo đại diện của Công ty Vinacontrol, năm 2011 công ty này được Công ty Đức Hạnh thuê giám định chất lượng lô hàng gần 500 tấn tiêu. Sau khi thực hiện từng bước giám định theo quy định về việc lấy mẫu hàng, nhân viên công ty giám định sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên 5%-10% sản phẩm của lô hàng rồi đo bình quân để lấy mẫu định lượng của tiêu và ra kết quả. Khi đạt được kết quả thì người của Công ty Vinacontrol sẽ đánh dấu lô hàng đã lấy mẫu, niêm phong rồi thông báo kết quả cho lãnh đạo Công ty Vinacontrol và khách hàng.
“Ông cho biết kết quả giám định chất lượng của lô hàng tiêu vào năm 2011 và cách thức niêm phong lô hàng” - HĐXX hỏi. Đại diện Công ty Vinacontrol cho biết kết quả giám định thời điểm này ngay tại kho có loại tiêu 500-600 g (tiêu đen - tiêu đạt chất lượng). Sau đó nhân viên trực tiếp lấy mẫu giám định lô hàng sẽ dùng dây quấn quanh, xuyên vào các bao tiêu bên ngoài của lô hàng đó rồi bấm chì, đánh dấu. Khi kết quả đạt, Công ty Vinacontrol sẽ cấp chứng thư cho khách hàng. Đại diện Công ty Vinacontrol cũng cho biết có nhiều nhân viên khác nhau thực hiện việc giám định chất lượng tiêu cho Công ty Đức Hạnh.
HĐXX hỏi tiếp: “Bị cáo Hạnh khai rằng toàn bộ số tiêu gần 500 tấn mà Công ty Vinacontrol giám định năm 2011 là tiêu cũ được thế chấp năm 2007, ông nghĩ sao?”. “Tháng 4-2011, tôi trực tiếp là người xuống giám định lô hàng tiêu của Công ty Đức Hạnh và lô hàng đó là mới. Nếu đó là lô hàng cũ đã giám định, bấm chì thì tôi đã biết” - đại diện Công ty Vinacontrol trả lời.
“Vậy ông giải thích như thế nào về việc Công ty Vinacontrol giám định có loại tiêu 500-600 g nhưng sau đó khi ngân hàng (NH) phát mại lô hàng, mời ông đến lấy mẫu để kiểm định thì không có mẫu tiêu đạt chất lượng như trước, trong khi số hàng này còn niêm phong chì của Công ty Vinacontrol?” - HĐXX chất vấn.
Đại diện Công ty Vinacontrol khẳng định: “Lô hàng NH phát mại không phải lô hàng tiêu trước kia Vinacontrol giám định. Còn lô hàng mà NH yêu cầu giám định để phát mại còn bấm chì hay không thì tôi không biết vì khách hàng chỉ lấy mẫu chỗ nào để giám định thì chúng tôi thực hiện”.
Luật sư của bị cáo Hạnh hỏi đại diện Công ty Vinacontrol khi lấy tiêu giám định, theo quan sát và kinh nghiệm của phía công ty thì bao tiêu đó khoảng bao nhiêu ký. đại diện Công ty Vinacontrol cho biết là loại bao khoảng 50 ký.
Bị cáo Hạnh tại phiên tòa. Ảnh: V.HỘI
Tòa: Nhiều vấn đề phải làm rõ
Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Hạnh đưa ra bản hợp đồng dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo tại kho hàng giữa ba bên là Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank AMCs), Công ty Đức Hạnh và Techcombank Chi nhánh Sóng Thần. Trong hợp đồng này có điều khoản ghi rõ nghĩa vụ của Techcombank AMCs là kiểm tra, theo dõi về số lượng, chủng loại, tình trạng hàng hóa được lưu giữ, trông coi tại kho hàng… và chịu trách nhiệm khi xảy ra những mất mát, tổn thất về hàng hóa trong thời gian cung cấp dịch vụ nếu những mất mát, tổn thất này phát sinh do lỗi chủ quan của phía Techcombank AMCs.
“Trách nhiệm Techcombank AMCs trong vụ án này như thế nào khi Công ty Đức Hạnh một năm phải bỏ ra trả 700 triệu đồng tiền phí? Trong khi đó, CQĐT không đưa Techcombank AMCs vào vụ án?” - luật sư đặt câu hỏi. Theo luật sư, đến thời điểm này trong hồ sơ của vụ án vẫn chưa làm rõ được sự hao hụt gần 200 tấn tiêu đi đâu, bản thân phía NH cũng không biết. Vì vậy cần làm rõ vai trò của bảo vệ khi trông coi 24/24 giờ cũng như vai trò, trách nhiệm của Techcombank AMCs. Sự mất mát, hao hụt lớn này ai là người chịu trách nhiệm?
“Ngoài ra, cần phải có cơ quan kiểm toán độc lập làm rõ việc có phải từ năm 2007 đến năm 2011 phía NH hợp thức hóa hồ sơ cho vay khi bị cáo nói chỉ có vay 7 tỉ đồng ban đầu rồi đáo hạn trả lãi? Bên cạnh đó, các thời điểm cho vay với hạn mức lãi suất của NH có đúng quy định của pháp luật hay không khi mà lãi suất lên đến 20,5%/năm? Cần triệu tập người liên quan giải ngân số tiền bằng sáu phiếu chứng thư…” - luật sư đề nghị.
Luật sư của Trần Việt Dũng (nguyên trưởng Phòng giao dịch Techcombank Chi nhánh Sóng Thần) và Thái Hữu Duẫn (nguyên chuyên viên khách hàng doanh nghiệp Phòng giao dịch Sóng Thần) thì đề nghị HĐXX xem xét hành vi của hai bị cáo và đình chỉ điều tra đối với họ.
Trong khi đó, đại diện VKSND tỉnh Bình Dương vẫn bảo vệ quan điểm truy tố cả ba bị cáo.
HĐXX nhận định hồ sơ vụ án còn nhiều vấn đề mâu thuẫn cần làm rõ: Dư nợ hiện tại giữa bị cáo và NH là bao nhiêu? Chất lượng, chủng loại giữa tài sản thế chấp và tài sản khi NH phát mại? Đặc biệt, cần làm rõ việc vì sao thất thoát gần 200 tấn tiêu và trách nhiệm, vai trò của Techcombank AMCs trong hợp đồng ba bên.
Từ đó, HĐXX quyết định tuyên trả hồ sơ cho VKS tỉnh, yêu cầu điều tra bổ sung như đã nói.
Tóm tắt vụ án Đây là lần thứ hai TAND tỉnh Bình Dương tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung trong vụ án này. Trước đó, ngày 9-5-2017, tòa mở phiên xử sơ phẩm lần đầu. Trong hai ngày diễn ra phiên xử, HĐXX thấy có nhiều tình tiết bất nhất, mâu thuẫn nên quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo cáo trạng, tháng 12-2011, Hạnh làm thủ tục vay 40 tỉ đồng tại NH Techcombank Chi nhánh Bình Dương với tài sản thế chấp là gần 500 tấn tiêu đen và sáu thửa đất. Khi xử lý thu hồi nợ thì phát hiện số lượng hàng thế chấp chỉ còn gần 200 tấn tiêu, phía NH đã tố cáo đến công an. VKSND tỉnh Bình Dương cho rằng bằng hành vi gian dối, Hạnh đã chiếm đoạt số tiền hơn 35 tỉ đồng của NH. Liên quan đến vụ án, Dũng và Duẫn là người kiểm tra, đề xuất giải ngân cho Hạnh vay tiền cũng bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. |