Những người còn ở lại tại trại giam Đắk Trung
“Anh ấy là Ninh Duy, đội 9”
Ninh Duy (trái) vẽ tranh giúp nhiều phạm nhân trong trại gửi về nhà. Ảnh: NT
Tôi theo cán bộ trại giam Đắk Trung sang phân trại số 1 để ghi nhận công tác chuẩn bị cho 32 phạm nhân cải tạo tốt được ra tù trước thời hạn, trở lại là những công dân tự do.
Trong quá trình làm thủ tục, cơn gió thổi mạnh khiến một bức tranh và tấm ảnh nhỏ từ trong cuốn sổ của phạm nhân rơi ra khiến nhiều người ngoảnh lại. Bức tranh vẽ cô gái trẻ đang bế bé trai mỉm cười, giống như đúc bức ảnh chụp. Tôi thắc mắc, ai vẽ đẹp vậy, phạm nhân vui vẻ trả lời: “Tranh anh Ninh Duy, đội 9 vẽ. Anh ấy là họa sĩ trại em đó chị”.
Thiếu tá Lê Công Thuật không khỏi tự hào khi kể về Duy: “Duy vẽ đẹp lắm, những bức tranh Duy vẽ cực kì giống ảnh chụp, nhìn rất có cảm xúc. Những đợt trại giam tổ chức thi viết báo tường, vẽ tranh Duy đều nhiệt tình tham gia”.
Người duy nhất tôi không dám vẽ là mẹ
Tranh của Ninh Duy vẽ em gái và cháu. Người duy nhất Ninh Duy không dám vẽ là người mẹ quá cố của mình. Ảnh: NT
Ninh Duy cao gầy. Năm nay anh 28 tuổi. Tôi gọi anh là họa sĩ anh cười, bảo họa sĩ gì đâu chỉ là anh thích vẽ, vẽ cho vui vậy thôi. Anh kể chuyện, hồi đó vừa mới ra tù, xin đi làm mấy nơi nhưng không ai thuê, làm nghề xăm thì vì còn mới nên không có mấy khách, túng quá làm liều nên anh đi trộm cắp rồi bị bắt, tòa kết án 3 năm tù. Anh vào trại Đắk Trung hồi tháng 11-2014.
“Tôi tự học vẽ, lần tìm trên mạng học theo, rồi cứ đặt bút là vẽ thôi. Trong trại, người quen biết chơi thân nhờ thì mình vẽ, lúc đi làm về vẽ, ngày nghỉ cũng vẽ. Mà thường ai nhờ mình cũng vẽ, vì thích vẽ mà. Tầm 3 tiếng xong một bức, bức nào khó thì 4-5 tiếng, vẽ bằng bút chì kim. Một hộp có 3-4.000 đồng, vẽ được cả tháng. Thường họ nhờ vẽ tranh: gia đình bố mẹ, vợ con, em gái… Vẽ xong, đợi mỗi đợt thăm nuôi gia đình lên thì họ gửi về làm quà”.
Ninh Duy vẽ cho rất nhiều người, trong buồng anh ở còn có bức tranh em gái và cháu chưa kịp gửi về. Nhưng người duy nhất mà Duy không dám đặt bút vẽ là người mẹ quá cố của mình.
“Bà ấy mất vì tai nạn giao thông, trên đường từ trại giam Đắk Trung thăm tôi trở về. Bà ấy vì tôi mà chết. Người ta thấy cuốn sổ thăm nuôi nơi hiện trường tai nạn, nên báo về… Tôi đã dặn đi về phải cẩn thận, lần nào bà ấy cũng bảo biết rồi”, giọng Ninh Duy nghẹn lại, đầu cúi gằm xuống.
“Bà ấy hiền lắm, cả đời chịu khổ, trước còn vay mượn tùm lum nuôi 3 chị em”, người đàn ông đã gần 30 kể chuyện.
Bố mẹ ly hôn khi anh học lớp 1, ở với bố được 1-2 năm thì Ninh Duy về với mẹ, bố có gia đình mới, mẹ sợ Ninh Duy chịu khổ nên đón về “mẹ con rau cháo có nhau”. Cuộc sống vất vả là vậy nhưng tháng nào mẹ cũng đi xe máy lên trại giam Đắk Trung thăm Ninh Duy. Lần nào bà cũng tay xách nách mang: hộp cá kho cà chua, thịt kho dừa, bánh kẹo…và 500.000 đồng cho cậu con trai yên tâm cải tạo.
“Hồi đó bà ấy phải đi làm thuê làm mướn nhiều nơi, lúc đi lau dọn nhà thuê, lúc chăm sóc người già…Hai mẹ con chẳng mấy khi trò chuyện với nhau vì tôi ngủ dậy thì bà ấy đã đi làm. Ngày đó tôi ham chơi, trong mắt chỉ có bạn bè, đến lúc mẹ mất rồi mới thấy hối hận. Tôi không dám vẽ mẹ, vì tôi luôn ám ảnh, tôi là kẻ hại mẹ mình”, Ninh Duy nấc nghẹn trong nước mắt.
Ước mơ của Ninh Duy Ngày vào trại giam Đắk Trung. Ninh Duy chưa có người yêu, chưa có gia đình. Trạc tuổi anh, bạn bè đã có con bồng con bế. “Chấp hành án xong mình mở tiệm xăm, tiếp tục làm nghề xăm rồi thêm vẽ tranh, kiếm sống. Sau này, còn lập gia đình. Thứ tôi mất không chỉ là những năm tháng tuổi trẻ, mất nhiều lắm. Như bà ấy thì đi rồi, không về nữa rồi…”, Ninh Duy lặng lẽ cúi đầu. |