Theo quy định hiện hành, việc cấp phép xây dựng (CPXD) nhà ở riêng lẻ chỉ mất 15 ngày làm việc. TP.HCM cũng đang thí điểm CPXD trong vòng ba ngày tại quận 7, để hướng tới việc cải cách mạnh mẽ trong công tác CPXD. Tuy nhiên, người dân khi xin CPXD vẫn còn gặp phải không ít phiền hà.
Phải bổ sung hồ sơ liên tục
Giữa tháng 11, chúng tôi có mặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận 12 thì gặp ông TVB đang to tiếng vì hồ sơ của ông chưa được nhận do cán bộ đi vắng. Ông B. cho biết có mua một nền đất tại quận 12, thuê công ty đo vẽ để vẽ bản vẽ chi tiết căn nhà và nộp hồ sơ xin CPXD. Đến ngày hẹn, ông lên nhận kết quả thì cán bộ tiếp nhận yêu cầu phải điều chỉnh một số chi tiết trong bản vẽ.
“Sau khi điều chỉnh xong, tôi nộp lại hồ sơ thì cán bộ tiếp nhận lại bảo tôi phải điều chỉnh thêm bản vẽ thiết kế tầng hầm. Một lần nữa, tôi phải mang hồ sơ về làm theo yêu cầu. Điều chỉnh xong, tôi đến nộp hồ sơ thì cán bộ tiếp nhận vắng mặt, tôi nhờ một cán bộ khác nhận thay nhưng họ không đồng ý. Tôi chỉ xin CPXD thôi mà mất tới mấy tháng trời, lên xuống quận năm lần nhưng vẫn chưa xong hồ sơ” - ông B. bức xúc.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, F1/20X1, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cũng vô cùng bức xúc vì nộp hồ sơ xin phép xây dựng từ đầu tháng 5-2017, đến nay đã bảy tháng nhưng chưa được giải quyết.
Bà Hoa xin phép xây dựng một căn biệt thự 200 m2 trên tổng diện tích đất ở là 800 m2 tại xã Vĩnh Lộc A. Hồ sơ của bà đã được Phòng Quản lý đô thị tiếp nhận đầy đủ và không phải bổ sung bất cứ giấy tờ gì. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5 thì huyện Bình Chánh có văn bản trả lời trường hợp của bà có diện tích đất lớn nên phải tách thửa. “Tôi chỉ có nhu cầu xây dựng chứ đâu có nhu cầu tách thửa. Chẳng lẽ, vì diện tích đất ở lớn mà tôi không được giải quyết cấp phép xây biệt thự hay sao?” - bà Hoa bức xúc nói.
Để trổ thêm cửa, bà L. đã phải mất gần hai tháng mới được giải quyết. Ảnh: VIỆT HOA
Bà Hoa cũng thông tin huyện Bình Chánh có văn bản gửi cho bà thông báo trường hợp của bà có diện tích đất ở lớn nên huyện này đã có văn bản hỏi Sở Xây dựng. Tuy nhiên, đến nay đã bảy tháng trôi qua nhưng không có bất cứ thông báo gì về việc CPXD cho bà Hoa. Đi lại nhiều lần vẫn không được giải quyết, bức xúc mà không biết kêu ai, ngay sau khi Pháp Luật TP.HCMđăng bài đầu tiên của loạt Những “điểm tối” về thủ tục nhà đất, bà Hoa đã gọi điện thoại đến báoPháp Luật TP.HCM để trình bày.
Xin trổ cửa mất… 55 ngày
Bà L. có căn nhà số 42/...Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh. Do cửa chính ra vào hư hỏng, bà L. thay mới bằng cửa cuốn sắt. “Khi tôi lắp cửa cuốn xong mới phát hiện ra là nhà không có lối thoát hiểm, trong trường hợp mất điện thì không biết phải thoát ra ngoài bằng cách nào. Trong nhà còn mẹ già 80 tuổi nên tôi xin trổ thêm cửa lùa (không phải cửa mở cánh ra ngoài - PV) rộng 1,4 m bên cạnh để thoát ra ngoài khi có sự cố” - bà L. cho biết. Và những rắc rối cũng bắt đầu từ đây.
Ngày 19-10, bà L. mang hồ sơ gồm chủ quyền nhà, bản vẽ và đơn xin trổ cửa lên UBND phường 7 thì cán bộ phường nói không có thẩm quyền giải quyết. Bà L. mang hồ sơ lên nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở quận thì cũng bị từ chối. Lý do là hiện nay chưa có quy định cho trổ cửa nên Phòng Quản lý đô thị không giải quyết. Đơn vị này hướng dẫn bà L. sang ban tiếp công dân làm đơn dân nguyện, bày tỏ nguyện vọng được trổ thêm cửa.
Cán bộ ban tiếp công dân nhận đơn của bà L. rồi bảo bà về nhà chờ… 55 ngày sau mới có câu trả lời. Bà L. thắc mắc tại sao xin phép xây dựng chỉ mất 15 ngày, nộp đơn tại tổ tiếp nhận và trả kết quả trong khi xin trổ cửa lại phải qua ban tiếp công dân và chờ đợi tới 55 ngày? Vị cán bộ ban tiếp công dân giải thích: Hiện nay không có quy định về trổ cửa, người dân có nhu cầu trổ thêm cửa đều phải làm đơn dân nguyện. Từ đơn này, ban sẽ làm phiếu chuyển tới Phòng Quản lý đô thị tham mưu trình lãnh đạo quận xem xét giải quyết.
Đến ngày 8-11, Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh có văn bản thông báo cho bà L. việc trổ thêm cửa căn nhà của bà sẽ ảnh hưởng đến lưu thông và cuộc sống của người dân khu vực. Do đó, Phòng Quản lý đô thị đã có văn bản đề nghị UBND phường 7 lấy ý kiến các hộ dân xung quanh nhà bà L. để có cơ sở trình lãnh đạo quận xem xét.
“Vị trí tôi định trổ thêm cửa đối diện với bức tường của một công trình nên không ảnh hưởng gì đến riêng tư của nhà người khác. Thêm vào đó, tôi mở cửa lùa chứ không phải cửa có cánh nên cũng không ảnh hưởng đến lưu thông” - bà L. nói.
Bà L. cũng băn khoăn, việc trổ thêm cửa hoàn toàn nằm trong ranh đất gia đình, không làm ảnh hưởng đến đường đi, cũng không ảnh hưởng đến nhà hàng xóm. Nay phường lấy ý kiến của các hộ dân xung quanh, nếu chỉ cần một người không ưa gia đình bà phản đối là bà không được trổ cửa. Điều này rất phi lý.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo quận Bình Thạnh cho biết hiện nay các quy định pháp luật về xây dựng và bộ thủ tục hành chính không có thủ tục xin cấp phép trổ cửa nên bộ phận tiếp nhận không thể nhận hồ sơ của bà L. “Quận cũng rất lúng túng, chưa biết xử lý như thế nào. Mà không có quy định thì không thể giải quyết được” - vị này nói. Về trường hợp của bà L., lãnh đạo quận cho biết đang chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị rà soát lại để có đề xuất xử lý cụ thể.
Từ lúc nộp hồ sơ lên quận đến nay đã hơn một tháng, tôi rất sốt ruột và lo lắng nếu lỡ trong thời gian này xảy ra sự cố. Trong trường hợp không được giải quyết, gia đình tôi sẽ phải thay hai cánh cửa mở ra mở vào tại vị trí cửa cuốn. Dùng cửa cánh như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lưu thông nhưng không ai có thể cấm vì tôi làm đúng hiện trạng cũ. Trong khi trổ thêm cửa mới tôi chỉ làm cửa lùa, không ảnh hưởng đến ai thì lại không được giải quyết. Bà L., ngụ 42/... Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh |