Pháp Luật TP.HCM hôm nay qua có bài thông tin về phiên toà xử tội giao cấu với trẻ em ở TAND huyện Củ Chi, TP.HCM. Tại toà, luật sư bảo vệ cho bị hại đã đề nghị mức án đối với bị cáo là 7 năm tù để tương xứng với tính chất, mức độ cuả hành vi phạm tội với bị cáo, đồng thời thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật nhằm răn đe và phòng ngừa chung.
Việc luật sư bị hại đề nghị mức án cụ thể đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới hành nghề luật.
Pháp Luật TP.HCM xin được giới thiệu các ý kiến gửi đến báo. Kính mời độc giả cùng tham gia tranh luận.
Luật sư LÊ NGỌC LUÂN, Đoàn Luật sư TP.HCM
Luật không cấm và cũng không trái luật
Nếu luật sư (LS) bảo vệ bị hại thấy mức án VKS đề nghị chưa phù hợp thì có quyền đề nghị tăng hình phạt. Cách vận dụng quyền này như thế nào tuỳ kinh nghiêm của mỗi LS nhưng đều hướng đến mục đích là tăng hình phạt. Quyền quyết định là ở HĐXX.
Việc đề nghị mức án không phải là truy tố hay luận tội mà đề nghị căn cứ vào tính chất, mức độ do bị cáo gây ra. LS của bị hại có chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại nên có quyền đề nghị cả vấn đề về dân sự lẫn hình sự.
Thiên chức gỡ tội của LS đặt ra là khi LS đóng vai trò tố tụng bào chữa. Bị hại có quyền đề nghị cả dân sự lẫn hình sự và LS bảo vệ cho bị hại có các quyền đó.
Việc đề nghị này không phải rơi vào trường hợp làm xấu đi tình trạng bị cáo. Làm xấu đi tình trạng bị cáo theo luật là trong một vụ án có nhiều bị cáo, LS bào chữa cho bị cáo A thì dù thế nào cũng ko được làm xấu đi tình trạng bị cáo B để làm căn cứ bào chữa cho thân chủ (là bị cáo A).
Điểm g khoản 2 Điều 62 BLTTHS quy định bị hại có quyền “đề nghị hình phạt...”. Khoản 4 Điều 84 BLTTHS quy định LS bảo vệ bị hại có quyền “Giúp bị hại về pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ”.
Luật minh thị rõ quyền của bị hại đề nghị mức án, còn LS bảo vệ bị hại có các quyền để làm rõ sự thật khách quan, có nghĩa vụ giúp bị hại về pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho họ
Do đó, nếu LS thấy mức án mà VKS đề nghị ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị hại thì LS có nghĩa vụ phải phân tích, đề nghị mức án cụ thể để HĐXX cân nhắc đưa ra một mức án phù hợp với hành vi do bị cáo gây ra.
Không lẽ thấy VKS đưa ra mức án 2 năm nhưng tính chất vụ án lẽ ra phải 10 năm, lúc này LS im lặng, hay chạy qua nói với bị hại để bị hại nói. Ngoài ra, bị hại không am hiểu luật nên mới phải nhờ LS. Trách nhiệm của LS là góp phần đưa mức án phù hợp với bản chất hành vi mà bị cáo đã gây ra.
Quy tắc đạo đức, luật luật sư, luật tố tụng hình sự không có quy định nào cấm LS đề nghị mức án đối với bị cáo.
LS Trần Ngọc Nữ, bảo vệ bị hại, đưa ra mức đề nghị 7 năm tù với bị cáo sau khi HĐXX đề nghị LS đưa ra con số cụ thể.
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
Phải tuân thủ tố tụng khi hoạt động tố tụng
LS phải tuân theo khuôn khổ của tố tụng khi hoạt động tố tụng, chứ không thể nói luật không cấm thì được làm.
Mỗi người mỗi thiên chức, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng. Nếu khôn khéo cũng có cách để bảo vệ bị hại, nhưng bằng cách luận tội bị cáo là xé rào. Trừ phi quyền dân sự của bị hại bị xâm phạm do truy tố không đúng. Khi đó thì LS của bị hại đề nghị xem xét gián tiếp chứ không phải luận tội bị cáo.
Vấn đề là nằm ở con số. Theo tôi lẽ ra toà phải nhắc nhở LS bị hại khi nêu ra con số cụ thể về mức án cho bị cáo.
LS có quyền phân tích pháp lý nhưng không có quyền luận tội, theo kiểu căn cứ này, căn cứ kia, rồi đề nghị mức hình phạt. Không có quyền mà thực hiện là trái quy định.
Nếu có đề nghị thì LS đề nghị chung chung về tội danh, tình tiết tăng nặng... chứ không thể nêu con số năm tù cụ thể; hoặc LS kiến nghị trong trường hợp việc truy cứu chưa phù hợp sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị hại. Chẳng hạn như “mức án mà VKS đề nghị chưa tương xứng với tính chất, mức độ... Đề nghị HĐXX phán quyết một mức án thích đáng hơn ...” .
Ngay cả VKS cũng chỉ đề nghị mức án trong khoảng từ… đến… chứ không nêu cụ thể.
Không phải mọi trường hợp tăng hình phạt với bị cáo là thành công của luật sư, vì mục tiêu cuối cùng trong vai trò này là quyền lợi chính đáng của bị hại.
Luật gia ĐỒNG MẠNH HÙNG, Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng
Luật không cấm không có nghĩa là sẽ được làm
LS bảo vệ bị hại có quyền kiến nghị về tội danh, tình tiết định khung hoặc tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo nếu thấy việc điều tra và truy tố thiếu khách quan. Tôi chưa thấy có quy định nào minh thị LS được đề nghị/yêu cầu mức án với bị cáo cả. Và cũng không thể nói là suy luận ra từ những quyền chung chung của LS trong tố tụng. Cũng không thể suy diễn là luật không cấm thì sẽ được làm như trong quan hệ dân sự.
Còn nếu muốn con số cụ thể về hình phạt đối với bị cáo, hãy trao đổi với bị hại để họ nói.
Nếu tôi là LS bảo vệ bị hại trong vụ án này, tôi sẽ nêu kèm theo câu “Theo nguyện vọng và yêu cầu của thân chủ tôi... Thân chủ tôi yêu cầu ....” LS muốn nêu cụ thể bao nhiêu năm cũng được vì đó là thân chủ yêu cầu.
Luật sư bảo vệ bị hại có quyền đưa ra mức hình phạt Khi tranh luận, tôi đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án cao hơn mức án VKS đề nghị. Thẩm phán chủ toạ yêu cầu tôi nêu con số cụ thể. Khi đó tôi mới đưa ra mức án 7 năm tù đối với bị cáo. Luật cho phép người bảo vệ cho bị hại được ý kiến về mức hình phạt. Khoản 1 Điều 322 BLTTHS về tranh luận tại phiên tòa cũng quy định bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác được đưa ra đề nghị của mình…; và có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên về mức hình phạt,… Khoản 3 Điều 320 BLTTHS cũng quy định bị hại được trình bày ý kiến để bảo vệ mình, nếu có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì người này có quyền trình bày, bổ sung ý kiến. Luật sư TRẦN NGỌC NỮ, bảo vệ bị hại |