Ngày 3-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
UBND không giải quyết tranh chấp,chỉ cung cấp hồ sơ
Một trong những nội dung được đông đảo đại biểu góp ý là vấn đề thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai (TCĐĐ).
Cụ thể, Điều 225 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho TAND giải quyết. UBND các cấp không giải quyết TCĐĐ mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho tòa xử lý.
Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG PHÚ |
Theo cơ quan soạn thảo, thiết kế quy định trên nhằm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Đồng thời đảm bảo tính nghiêm minh, thống nhất của pháp luật, một việc chỉ giao cho một cơ quan giải quyết. Điều này cũng phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp của Nhà nước, thông lệ, luật pháp quốc tế.
Cạnh đó, có ý kiến cho rằng nên giữ như quy định hiện hành đối với trường hợp TCĐĐ mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì được lựa chọn cơ quan giải quyết là TAND hoặc UBND.
Về nội dung này, bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội, cho hay đây là nội dung mà hội nhận được nhiều ý kiến góp ý của bà con, hội viên ở nhiều hội nghị các cấp.
“Bà con cho hay từ trước đến nay, mọi hồ sơ hành chính về đất đai vẫn do UBND các cấp giải quyết. Nay thẩm quyền giải quyết TCĐĐ nếu giao cho bên tòa án sẽ mất thêm một bước tiếp nhận hồ sơ đi lại giữa tòa án và UBND các cấp, dẫn tới ùn thủ tục. Người dân sẽ mất thêm chi phí để giải quyết...” - bà Hoa nói. Bà đề nghị cần cân nhắc nghiên cứu xây dựng quy định này cho phù hợp.
Không nên bó hẹp thẩm quyền giải quyết cho tòa
Cùng góp ý nội dung này, luật sư Hoàng Thị Nhàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng việc chỉ quy định thẩm quyền giải quyết TCĐĐ do TAND giải quyết là bó hẹp thẩm quyền này lại. Trong khi đó, UBND cấp huyện là cơ quan quản lý, giám sát nơi có tranh chấp, là cơ quan hiểu và biết rõ nguồn gốc đất thì lại không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất là bất hợp lý.
“Thời gian TAND giải quyết vụ kiện TCĐĐ có vụ nhanh là một năm, còn không 2-3 năm, thậm chí bốn năm mới đưa ra xét xử. Quá trình đó đi lại rất nhiều, gây mất thời gian và chi phí. Trong khi đó, thủ tục nhận đơn, thời gian giải quyết, thành phần hồ sơ để giải quyết vụ việc tranh chấp đất tại UBND lại đơn giản hơn rất nhiều, thời gian, chi phí cũng thấp hơn so với giải quyết tại TAND...” - bà Nhàn nói.
Theo đó, luật sư Nhàn đề nghị TCĐĐ và tài sản gắn liền với đất do UBND huyện nơi có đất giải quyết, nếu không đồng ý với quyền định giải quyết thì có quyền khởi kiện tại TAND theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Theo bà Nhàn, việc quy định giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp lần đầu giao cho UBND huyện nơi có đất giải quyết sẽ “hợp tình, hợp lý” hơn là chỉ quy định duy nhất thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất là TAND. Quy định như vậy cũng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp đất về thời gian, chi phí, thủ tục... cho các bên liên quan.
Còn ông Bùi Sinh Quyền, thành viên Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, góp ý liên quan quy định UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quản lý, sử dụng đất làm căn cứ cho TAND giải quyết theo thẩm quyền khi có yêu cầu (khoản 1 Điều 225 dự thảo luật). Ông Quyền cho rằng cần quy định rõ thời hạn, chế tài đối với việc chậm trễ hoặc không cung cấp thông tin không có lý do chính đáng của người có trách nhiệm trong quy định trên.
“Quy định như vậy để tránh việc cung cấp hồ sơ, tài liệu bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự và tạo điều kiện cho TAND kéo dài thời gian thụ lý, giải quyết vụ án. Đồng thời, hạn chế tiêu cực trong việc thụ lý vụ án để đảm bảo theo trình tự bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật Tố tụng dân sự...” - ông Quyền nói.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
1. Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do TAND giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho TAND giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.
2. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do TAND giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại.
Điều 225 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)