Tối 10-12, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 được tổ chức tại Hà Nội.
Theo Ban Tổ chức Giải, điểm mới của giải năm nay so với năm đầu tiên, đó là ngoài việc tổ chức nhận bài dự thi đối với tác phẩm báo in và báo điện tử, còn mở rộng thêm hạng mục truyền hình và phát thanh trên tất cả các báo, đài, tạp chí…
Do đó, chỉ sau một thời gian ngắn phát động từ tháng 7-2024, Ban Tổ chức đã nhận được 1.950 tác phẩm hợp lệ thuộc các thể loại báo chí từ hơn 200 cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương gửi về tham dự giải. Trong đó, báo in có 450 tác phẩm, báo điện tử 900 tác phẩm, truyền hình có 350 tác phẩm, phát thanh/podcast có 250 tác phẩm.
Giải báo chí đã có sự tham dự của nhiều tác giả là các phóng viên, biên tập viên, nhà báo từ các cơ quan báo, đài cả nước; các tác giả không chuyên.
Đáng chú ý, trong số các tác giả gửi bài tham dự, Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2024 vinh dự được đón nhận bài viết của hai tác giả rất đặc biệt, đó là tác giả “Xích Lô”, tức ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT với chùm loạt bài “Cái bắt tay với nông dân” đăng trên Báo điện tử Dân Việt.
Và loạt 8 bài viết của chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng với tiêu đề “Đi tìm nghìn lẻ một cách làm giàu của nông dân” với nhiều thông tin bổ ích cho người nông dân.
Đánh giá của Ban Tổ chức cho thấy, phần lớn các tác phẩm tham dự giải phản ánh sâu sắc quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình kinh tế đa giá trị, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn. Điển hình như tác phẩm truyền hình Con đường nông sản 2023 - Vị thế nông nghiệp của Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam; Biến rơm thành tiền của Đài Truyền hình Hậu Giang; Nông nghiệp xanh, áp lực tạo ra cơ hội của TTXVN; Đánh thức tiềm năng nuôi trồng hải sản vùng biển Việt Nam của Báo Nông nghiệp Việt Nam…
Đã có rất nhiều tác phẩm xuất sắc tập trung viết, phản ánh về hình mẫu người nông dân mới, văn minh, hiện đại như tác phẩm: Cái bắt tay với nông dân của tác giả Xích Lô, Nông dân miền Tây hụt hơi sau cuộc đua năng suất của nhóm tác giả báo điện tử VnExpress, Giàng A Hiếu – Người đánh thức "xứ sở hạnh phúc" Suối Giàng của Báo Đầu tư hay Người Rắc – Lây viết tiếp giấc mơ Cha-pi dưới chân núi Chúa của Trung tâm Truyền hình Quân đội,…
Sau quá trình lựa chọn, Ban sơ khảo đã lựa chọn được 70 tác phẩm chất lượng nhất vào vòng chung khảo. Tiếp đó, Hội đồng chung khảo đã chấm độc lập, sau đó họp và chọn ra 42 tác phẩm xuất sắc nhất để trao 2 giải A, 4 giải B, 6 giải C, 10 giải Khuyến khích và 20 giải Chuyên đề, với tổng giá trị các giải thưởng lên đến 540 triệu đồng.
Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá, sự tham gia của các tác giả cả chuyên và không chuyên đã chứng minh cho sự hấp dẫn, sức lan tỏa của Giải báo chí chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta
Mỗi tác phẩm báo chí thực sự là nguồn tư liệu quý giá để các cơ quan quản lý nhà nước tham khảo trong xây dựng cơ chế, chính sách; là nguồn động viên, cổ vũ kịp thời đến người nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát huy hơn nữa vai trò chủ thể, trung tâm của mình.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải - cho biết, các tác phẩm không chỉ phản ánh thực tiễn đời sống nông thôn, mà còn đi sâu phân tích, đưa ra giải pháp và phản biện, đồng thời tôn vinh những nhân tố điển hình, lan tỏa những giá trị tích cực.
Giải thưởng không chỉ tôn vinh người làm báo mà còn là nguồn tư liệu quý giá, góp phần vào việc xây dựng các chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, đồng thời khích lệ người nông dân phát huy vai trò trung tâm trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Hy vọng làm rạng danh trà Việt Nam
Tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, anh Giàng A Hiếu - nhân vật truyền cảm hứng trong tác phẩm "Người đánh thức "xứ sở hạnh phúc" Suối Giàng" cho biết rất xúc động khi đứng ở đây vì không bao giờ nghĩ mình được giải. "Tôi không phải nhà báo, cũng không viết bài mà được giải nhờ một nhà báo khác viết về tôi".
Anh cho biết, động lực lớn nhất để anh gắn bó với vùng đất này, là một lần lên Suối Giàng - một vùng đất đặc biệt sở hữu những cây trà Shan tuyết cổ thụ, với 5.000 người dân sinh sống nhưng lại nghèo quá. Vì thế anh đã nảy sinh mong muốn giúp người dân ở đây thoát nghèo.
Ở Việt Nam, trà là cả đời người, trong tất cả các dịp lễ, ma chay hiếu hỉ đều có trà, vậy thì vì sao trà Việt Nam vẫn cứ đì đẹt mãi? Chúng ta đứng thứ 5 thế giới về sản lượng xuất khẩu trà, hơn 200.000 tấn nhưng chủ yếu là xuất khẩu thô. Là một người trẻ, với suy nghĩ của người trẻ, anh cảm thấy không thể chấp nhận điều đó, và mong muốn trà Việt Nam phải vươn ra thế giới, phải làm rạng danh ngành trà Việt Nam.