Thông qua bốn trường hợp nghiên cứu (quan hệ Mỹ-Trung, xu hướng hạt nhân Nam Á, chương trình hạt nhân Triều Tiên và những thách thức về bảo hộ hạt nhân mở rộng của Mỹ ở châu Á), báo cáo cho thấy một trật tự hạt nhân tại châu Á đa cực và đang có xu hướng cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết.
Bằng việc mở rộng quy mô và tiềm năng của các kho vũ khí hạt nhân, các quốc gia châu Á đang ngày càng tỏ ra nổi trội trong cán cân chiến lược. Báo cáo phân tích cán cân quyền lực đang xoay chuyển tại châu Á không chỉ giữa các nước lớn với nhau.
Một trong những động lực khiến các nước như Pakistan hay Bắc Triều Tiên tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình là do các nước này đánh giá được đối thủ trực tiếp của mình (Ấn Độ và Hàn Quốc) đã đi trước họ một bước và do đó cả hai nước này đều thấy yếu thế hơn trong tương quan với các nước láng giềng.
Bên cạnh những cuộc chạy đua giữa các cường quốc lớn, các cuộc chạy đua trong khu vực như trên đang góp phần quan trọng khiến các nước nhận định về trật tự khu vực trong tương lai.
Tên lửa MRV Agni-V của Ấn Độ có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân với tầm bay trên 5.000 km. Ảnh: Wikicommons
Thông thường các kho vũ khí hạt nhân tại châu Á thường nhỏ và tương đối đơn giản. Tuy vậy, giờ đây các nước đều hiện đại hóa kho vũ khí của mình như đầu tư các loại tên lửa có thể mang thêm nhiều đầu đạn hạt nhân con (MRV), phát triển các loại đầu đạn hạt nhân có khả năng vượt qua được hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) và nhằm vào các mục tiêu được chỉ định.
Thậm chí còn có thông tin về việc phát triển các hệ thống vũ khí hạt nhân trên biển hoặc di động trên đất liền. Hiện tại các loại tên lửa triển khai đầu đạn hạt nhân tuy vẫn ở số ít nhưng vẫn có xu hướng tăng dần.
Không chỉ phát triển công nghệ hạt nhân, các nước còn cải tiến các công nghệ vũ khí quy ước đến mức có thể thay thế cho vũ khí hạt nhân ở một số nhiệm vụ. Mỹ đang dần đưa vào sử dụng các hệ thống BMD mới dựa trên tình hình các kho tên lửa đạn đạo ngày càng phát triển trong khu vực.
Mặt khác, ASPI cũng nhận định các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân cũng đang quan tâm đến vấn đề làm giàu hạt nhân, đặc biệt là ở Đông Bắc, Trung Đông và châu Âu. Đối với các quốc gia Đông Nam Á, báo cáo khuyến cáo cần quan tâm đến sự an toàn của các dự án điện hạt nhân dân sự cũng như cần giám sát chặt chẽ việc vận chuyển các nguyên liệu hạt nhân trong khu vực.
ASPI kết luận: “phải chấp nhận một thực tế là vũ khí hạt nhân đang được phát triển nhanh chóng tại châu Á… Việc Mỹ tiếp tục bảo hộ hạt nhân trong khu vực có thể là một nhân tố quan trọng đối với vấn đề chạy đua hạt nhân trong khu vực”.