Sáng 12-6, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 190 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Mạc Thị Bưởi (Agribank - CN Mạc Thị Bưởi, nay là Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn).
Theo đó, các bị cáo Phạm Văn Chính (SN 1969, nguyên giám đốc Công ty TNHH Phát triển nhiên liệu Á Châu), Hoàng Văn Cường (SN 1977, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ ADN), Đỗ Minh Quang (SN 1957, nguyên là thành viên góp vốn Công ty ADN) bị truy tố đưa ra xét xử về tội lừa đảo.
Và Phạm Thị Mai Toan (SN 1955, nguyên Ủy viên Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Agribank - CN Mạc Thị Bưởi, Phí Thị Ong (SN 1960, nguyên Giám đốc Agribank - CN Mạc Thị Bưởi), Đỗ Thị Yến (SN 1969, nguyên Phó Giám đốc Agribank - CN Mạc Thị Bưởi; Nguyễn Thị Thanh Vân (SN 1971, nguyên nhân viên tín dụng Agribank - CN Mạc Thị Bưởi) bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Trương Thị Thùy Trang (SN 1983, nguyên cán bộ tín dụng Agribank - CN Mạc Thị Bưởi, bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo được dẫn giải về trại sau một buổi xử
Theo hồ sơ, đầu năm 2007, Agribank Mạc Thị Bưởi có quan hệ tín dụng với Công ty Á Châu do Chính là giám đốc. Tháng 10-2009, Chính ký hồ sơ vay số tiền 90 tỉ đồng gửi Agribank Mạc Thị Bưởi để đầu tư dự án khu căn hộ phức hợp.
Quá trình làm thủ tục cho vay, các bị cáo cán bộ ngân hàng không những bỏ qua khâu thẩm định mà còn nâng khống giá trị tài sản đảm bảo. Trên thực tế, tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay trên thiếu hơn 14.000 m2 đất. Các bị cáo không ký hợp đồng thế chấp cũng như đăng ký thế chấp đối với tài sản thế chấp. Sai phạm trên khiến ngân hàng thiệt hại hơn 21 tỉ đồng. Thời điểm này, cơ quan chức năng chưa cấp phép cho dự án bất động sản của Công ty Á Châu.
Còn Chính với tư cách giám đốc công ty này đã ký khống nhiều văn bản liên quan đến dự án hòng hoàn thiện hồ sơ vay vốn, từ đó chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Trước đó, trong quá trình thẩm định hồ sơ vay 75 tỉ đồng để mua đất trồng cao su ở tỉnh Bình Phước của Công ty ADN, Ong khi đó là phó giám đốc chi nhánh biết công ty này vay tiền nhưng không thực hiện dự án. Tuy nhiên, Ong vẫn ký hợp đồng tín dụng và giải ngân. Tài sản thế chấp khoản vay là năm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng những người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này xác nhận họ không giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty ADN. Một số giấy chứng nhận khác là giả. Đến nay, Công ty ADN không có tài sản đảm bảo cho khoản vay và không có khả năng thanh toán cho Agribank Mạc Thị Bưởi số tiền đã vay.
Tại cơ quan điều tra, bà Toan khai nhận có quen biết với Hoàng Tiến Dzũng - người thành lập Công ty Á Châu nhưng lại thuê người khác đứng tên. Dzũng đặt vấn đề với bà Toan về việc Công ty Á Châu cần tiền để trả các khoản nợ lãi cũ cho các công ty khác mà Dzũng thành lập. Và Dzũng "vẽ" ra dự án khu phức hợp căn hộ để vay tiền chứ thực chất không dùng tiền vay được để đầu tư. Dzũng hứa với Toan khi nào có tiền sẽ thực hiện dự án. Bà Toan biết công ty vay vốn sai mục đích nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới giải ngân cho Á Châu vay 90 tỉ đồng.
Hiện Dzũng hiện đã xuất cảnh, không có mặt tại địa phương nên cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã đối với Dzũng và tạm đình chỉ điều tra cho đến khi bắt được.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Toan kiến nghị HĐXX sơ thẩm triệu tập điều tra viên nhằm làm rõ một biên bản ghi lời khai có chữ ký của bị cáo. Luật sư khẳng định khi lấy lời khai, cơ quan điều tra viết sẵn rồi đưa cho bị can ký. Cũng theo luật sư, với tính chất là một biên bản ghi lời khai vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định việc định tội. Nhưng cơ quan điều tra thực hiện không khách quan, trái quy định pháp luật.
Và HĐXX đã chấp nhận kiến nghị triệu tập điều tra viên trong quá trình xét xử. Dự kiến phiên xử diễn ra trong hai ngày. Hiện phiên tòa đã bước vào phần thẩm vấn, ban đầu các bị cáo thừa nhận hành vi sai phạm.