Triều Tiên tiếp tục gây ám ảnh hạt nhân

Tình hình bán đảo Triều Tiên trong năm vừa qua đã có nhiều giai đoạn căng như dây đàn, tưởng chừng như chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào, kéo theo đó là những hậu quả tàn khốc mà không bên nào mong muốn. Thế nhưng trong thông điệp đón chào năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ gửi đến phía Hàn Quốc “món quà” khó ai ngờ đến.

Bước ngoặt cho Hàn Quốc?

Ông Kim Jong-un khẳng định rằng việc đối thoại với Hàn Quốc là khả thi, đồng thời đề cập đến khả năng cử một đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông tại Pyeongchang, Hàn Quốc trong tháng 3 năm nay.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và các quan chức cấp cao tại Seoul đã hoan nghênh tín hiệu này từ Bình Nhưỡng. Ngay lập tức, Bộ trưởng Thống nhất của Hàn Quốc Cho Myoung-gyon đã chính thức đề xuất tổ chức đối thoại liên Triều vào ngày 9-1 sắp đến. Trong cuộc họp đầu năm với nhân viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cũng dự đoán năm 2018 sẽ là “một năm bận rộn” với cơ quan này cho các nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều, theo hãng tin Yonhap. Ban tổ chức Thế vận hội mùa đông của Hàn Quốc thì đặt kỳ vọng sự kiện quốc tế này sẽ tạo bước ngoặt tích cực cho quan hệ hai miền bán đảo Triều Tiên.

Thật ra chính quyền Seoul đã nỗ lực tạo tiền đề cho viễn cảnh khôi phục đối thoại liên Triều nhân dịp Thế vận hội mùa đông năm nay. Ông Moon Jae-in kể từ khi đắc cử tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5-2017 đã chủ trương tìm hướng đối thoại với Triều Tiên. Năm 2017 đã ghi nhận liên tiếp các động thái “răn đe” quân sự giữa Triều Tiên và liên minh Mỹ-Hàn, ông Moon vẫn nhiều lần nhấn mạnh mong muốn đối thoại và giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán. Cuối năm 2017, chính quyền Seoul cũng đã đề xuất với Washington nên tạm hoãn các cuộc tập trận chung trong thời điểm diễn ra Thế vận hội mùa đông. Với tín hiệu từ nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Moon tự tin các nỗ lực kêu gọi đàm phán của ông đã có kết quả tích cực. Tuy nhiên, những rủi ro an ninh khu vực leo thang căng thẳng quân sự vẫn còn đó.

Vấn đề căng thẳng Triều Tiên và các chính sách của Tổng thống Trump sẽ tiếp tục tác động đến cục diện toàn cầu năm 2018. Ảnh: REUTERS

Tàu sân bay trực thăng Izumo có khả năng được Thủ tướng Shinzo Abe cho nâng cấp, báo hiệu sự trỗi dậy về quân sự của Nhật Bản. Ảnh: JAPAN TIMES

Nhật Bản gia tăng sức mạnh quân sự

Giữa những biến động xoay quanh vấn đề Triều Tiên, chính sách củng cố sức mạnh quân sự quốc gia của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe càng thêm thuyết phục trong bối cảnh bị đe dọa hạt nhân. Bất chấp thực tế chính sách cải cách kinh tế “Abenomics” không đạt được thành công như kỳ vọng, cuộc khủng hoảng quốc gia cuối năm qua do vấn đề Triều Tiên đã giúp ông Abe thắng lớn trong cuộc bầu cử mùa thu năm 2017.

Trước các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Triều Tiên, ông Abe có thể đẩy nhanh chính sách củng cố sức mạnh quân sự cho Nhật Bản trong 12 tháng tới bằng các thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ. Báo giới Nhật Bản cuối năm qua đã hé lộ dự định của Tokyo bổ sung tên lửa tầm xa vào kho vũ khí của lực lượng phòng vệ trên không nhằm tiêu diệt phủ đầu các mục tiêu quân sự Triều Tiên trong trường hợp bị đe dọa. Những động thái này “xa lạ” với lập trường chủ trương phòng thủ của Nhật Bản kể từ sau thế chiến đến nay, vốn là yếu tố ngăn cản Nhật Bản hiện đại từ một cường quốc kinh tế trở thành một cường quốc quân sự. Tờ The Guardian nhận định Thủ tướng Abe và các đồng minh của ông xem chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản hiện nay là một điều bất cập, một sợi dây ràng buộc bất công trước các thách thức từ Triều Tiên và Trung Quốc.

Theo tờ The Guardian, ông Abe trong năm nay có thể đệ trình một tu chính án cho Hiến pháp Nhật Bản để hóa lực lượng phòng vệ quốc gia là quân đội. Kiểm soát thế đa số 2/3 Quốc hội Nhật Bản, ông Abe thật ra đã có đủ số phiếu cần thiết để điều chỉnh hiến pháp dù vẫn cần thuyết phục được người dân Nhật Bản ủng hộ thông qua một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Nhưng khi cuộc đấu trí trên chính trường Tokyo còn chưa ngã ngũ, ông Abe đã bắt đầu khởi động các bước đi báo hiệu một sự trỗi dậy quân sự cho Nhật Bản. Mỹ đã bán thêm cho Nhật Bản hai hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ Aegis, lộ trình năm 2023 sẽ đưa vào sử dụng, theo trang Foreign Policy. Nhật Bản cũng hé lộ dự định cải tiến tàu sân bay trực thăng Izumo - tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản thành một tàu sân bay hoàn thiện. Các dự định này đã khiến không chỉ Hàn Quốc mà cả Nga phải lo ngại. Ngay trước thềm năm mới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã khẳng định Moscow quan ngại trước việc Tokyo triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa, theo Itar Tass.

Mỹ chuyển trọng tâm và khoảng trống để lại

Điểm nóng an ninh tại Triều Tiên không chỉ tác động đến riêng khu vực Đông Bắc Á, mà rộng hơn là cả khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương với yếu tố then chốt là chính sách của Mỹ. Triều Tiên trong năm 2017 từng tuyên bố vũ khí hạt nhân nước này chỉ nhắm vào Mỹ chứ không đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump phải chuyển trọng tâm chính sách, xem Triều Tiên là “bài kiểm tra” lớn nhất cho an ninh của nước Mỹ, có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cục diện những khu vực khác.

Trong báo cáo phân tích cuối năm 2017, Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận định rằng Trung Quốc thừa dịp tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng đã tiếp tục các dự án cải tạo và quân sự hóa trái phép trên biển Đông. Mặc dù Chiến lược an ninh quốc gia 2017 của Tổng thống Trump đã kịch liệt lên án những động thái này, cũng như nhìn nhận các động thái của Trung Quốc tại khu vực đe dọa an ninh của Mỹ và chủ quyền của các nước liên quan, viễn cảnh Mỹ đối trọng và kiềm chế Trung Quốc tại biển Đông trong năm 2018 vẫn là một ẩn số.

Trong khi đó, chính phủ Tổng thống Trump cũng đã thể hiện rõ ý định giảm ưu tiên trong các vấn đề của khu vực Trung Đông, điển hình như: Khủng hoảng ngoại giao Qatar, bất chấp sự phản đối của đồng minh Ả Rập trong vấn đề Jerusalem và rút chân khỏi nội chiến Syria. Những khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại tại khu vực tạo cơ hội cho các cường quốc mới trỗi dậy và định hình cục diện địa chính trị. Syria trở thành điểm đặt chân vững chãi cho ảnh hưởng quân sự của Nga, cũng là mục tiêu triển vọng để Trung Quốc nhảy vào đầu tư tái thiết sau chiến tranh. Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hướng Đông và xa rời các đồng minh NATO phương Tây.

Pakistan có thể được xem là ví dụ mới nhất cho việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump giảm mức độ ưu tiên cho các đồng minh cũ để chuyển trọng tâm sang Thái Bình Dương. Sau khi Tổng thống Trump công khai cáo buộc Pakistan là nơi ẩn náu của các nhóm khủng bố, Washington tiếp tục đóng băng gói viện trợ quân sự 255 triệu USD cho Islamabad. Tình trạng các nhóm khủng bố ẩn náu tại khu vực biên giới Pakistan, dưới sự bảo bọc của các thủ lĩnh vũ trang địa phương, đã tồn tại từ lâu nhưng không được cứng rắn giải quyết dưới các đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm. Học giả Michael Kugelman, chuyên gia về Pakistan tại Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson, nhận định Tổng thống Trump đang dần hướng đến đối tác mới là Ấn Độ hỗ trợ gánh vác các vấn đề khu vực hơn.Tháng 8 vừa qua, ông Trump cũng kêu gọi Ấn Độ hỗ trợ tại Afghanistan. “Việc Mỹ kêu gọi Ấn Độ tăng dấu ấn tại Afghanistan mới thật sự đáng báo động đối với Pakistan hơn là những lời đe dọa nhắm vào nước này” - ông Kugelman cho biết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới