Nhà lãnh đạo Mỹ thẳng thắn cảnh báo chính sách thương mại của Mỹ đối với TQ sẽ tùy vào sự hợp tác của TQ trong vấn đề Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại mức thâm hụt thương mại 350 tỉ USD với TQ cũng như tổng giá trị 300 tỉ USD thiệt hại từ vấn nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ.
“Nếu họ giúp chúng ta về Triều Tiên, tôi có thể sẽ có cái nhìn khác hơn đôi chút về thương mại, ít nhất trong một thời gian. Tôi đã có thiện chí. Nhưng khi dầu được tuồn vào Triều Tiên, tôi không hài lòng” - ông Trump trả lời tờ New York Times. Trước cuộc phỏng vấn, vệ tinh Mỹ đã phát hiện 30 trường hợp tàu TQ chuyển dầu sang một số tàu Triều Tiên kể từ tháng 10, tờ Chosun Ilbo cho biết. Trong khi đó, Harry Kazianis - Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (Mỹ) nói TQ sẽ “chẳng bao giờ thực hiện các lệnh trừng phạt đến mức thỏa mãn được Tổng thống Trump”, dù nhà lãnh đạo Mỹ có đầu tư quan hệ hữu hảo với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.
Chính sách của Mỹ với TQ vốn vẫn hay dao động giữa ngăn chặn và gắn kết kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1979. Tuy nhiên, ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên công khai gọi TQ là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong Chiến lược An ninh Quốc gia. Nhắc đến các đe dọa về an ninh và kinh tế của TQ, ông Trump chỉ trích nước này làm xói mòn an ninh của Mỹ và âm mưu thay thế vị trí Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo ông David Lampton - Giám đốc bộ phận nghiên cứu về TQ tại Trường nghiên cứu quốc tế cấp cao thuộc ĐH Johns Hopkins, cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung, đảng Cộng hòa đã nỗ lực cả 16 năm qua để TQ chính thức được gọi tên là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Tranh cử tổng thống năm 2000, ông George W. Bush từng gắn TQ với cụm từ này. Sau ông Bush là bà Condoleezza Rice, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và sau đó là ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông. TờSouth China Morning Post (SCMP) dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát rằng việc Mỹ chính thức gọi TQ là đối thủ cạnh tranh chiến lược có thể sẽ mở một chương mới trong quan hệ hai nước.
Theo ông David Lampton, quan hệ hai cường quốc “sẽ đi vào giai đoạn 3, khi một lần nữa Mỹ xác định TQ là đối thủ cạnh tranh chiến lược cả về kinh tế và an ninh”. Quan hệ Mỹ-Trung từng trải qua hai thời điểm khá chùng. Một lần sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và một vào thời điểm chuyển tiếp chính phủ Tổng thống Bush sang chính phủ Tổng thống Barack Obama, ông Lampton cho biết.