Ông Lê Phương Vũ (trái) khoe với Bí thư Huyện ủy Võ Văn Út giống cá bống tượng gia đình ông thả nuôi thử nghiệm - Ảnh: V.TR. |
>>Kỳ 1:Một thời đồng hoang cỏ cháy
>>Kỳ 2:Những cuộc thảm sát đẫm máu
Bao nhiêu giống lúa ở nơi khác được cư dân khai hoang đem về gieo xuống đất đều chết sạch. Nhưng sự kiên nhẫn của người dân cuối cùng cũng được đền đáp: một giống lúa nhú lên khỏi mặt đất, xanh um rồi trổ bông.
Người dân mừng quá gọi đó là giống lúa trời cho. Giống lúa này sau đó được đặt tên là một bụi đỏ Hồng Dân.
Chuyện về 4kg lúa đặc biệt
Trong lúc chiếc vỏ lãi phóng vun vút qua những cánh đồng bạt ngàn xanh mướt, anh Nguyễn Trung Hiếu (phó Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân) quay sang nói với tôi: “Trên ruộng toàn là lúa một bụi đỏ. Đất ở đây chỉ có giống này mới sống nổi. Các giống lúa cao sản khác gieo xuống đều chết sạch.
Bây giờ giống lúa một bụi đỏ còn được người dân ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long đem về trồng, nhưng chất lượng gạo không thể ngon bằng trồng ở đồng chó ngáp này”.
Anh Hiếu kể giống lúa một bụi đỏ do người dân phát hiện rồi tự nhân giống bằng cách sau khi thu hoạch thì chừa một ít để gieo sạ cho vụ sau. Cách nhân giống này khiến giống bị thoái hóa dần. Năng suất không còn cao, sâu bệnh nhiều và chất lượng gạo không ngon như trước.
Do chưa có giống lúa nào trụ nổi trên cánh đồng chó ngáp nên vào năm 2009, ông Võ Văn Út (chủ tịch và sau này là bí thư Huyện ủy Hồng Dân) quyết định ký hợp đồng với Trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu phục tráng giống lúa này.
Ông Út giải thích: “Đồng chó ngáp bây giờ rất đông dân, nếu không trồng được lúa hoặc năng suất lúa thấp thì chắc chắn thiếu gạo. Trong khi chưa có giống lúa nào thay thế thì phải chọn lọc tìm ra giống lúa một bụi đỏ Hồng Dân tốt nhất cho dân trồng”.
Tiến sĩ Võ Công Thành là người trực tiếp tham gia nghiên cứu, phục tráng giống lúa đặc biệt của đồng chó ngáp theo đơn đặt hàng của ông Út. Năm 2010 ông Thành đã phục tráng được 4kg lúa, trong đó có 2kg lúa Hồng Dân 5 và 2kg giống Hồng Dân 6.
Ông Võ Văn Út nói lãnh đạo huyện xem 4kg lúa này quý hơn vàng vì chất lượng gạo rất tuyệt vời: thơm, dẻo, tỉ lệ xay xát đạt cao hơn nhiều so với giống lúa đang được người dân canh tác. Số lúa này được bảo quản nghiêm ngặt như giữ phóng xạ.
Để tránh rủi ro khi gieo sạ, các nhà khoa học của Trường ĐH Cần Thơ và huyện Hồng Dân đã khảo sát rất kỹ thổ nhưỡng và cuối cùng chọn thửa đất 100m2 ở ấp Vàm, xã Ninh Quới.
Ngày 26-3-2010, TS Võ Công Thành đem 4kg lúa giống này gieo trong nhà lưới để tránh sâu hại và có lực lượng chức năng bảo vệ 24/24 giờ.
30 ngày sau, các nhà khoa học nhổ toàn bộ mạ rồi đem cấy trên thửa ruộng 5.000m2. Trước khi cấy, đất được xử lý rất kỹ để diệt toàn bộ cỏ dại và ốc bươu vàng.
Để đánh giá sức chịu đựng của lúa ở những môi trường khác nhau, TS Võ Công Thành quyết định cấy mạ này ở ba xã: Ninh Quới, Ninh Hòa và Ninh Quới A. Rồi 45 ngày sau lại nhổ lúa lên chuyển sang cấy lần ba ở vùng đất nhiễm mặn.
Tiếp tục nghiên cứu thêm một năm, các nhà khoa học xác định giống lúa Hồng Dân 6 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, năng suất cao, chiều cao cây thấp, ít bị đổ ngã và đặc biệt chịu mặn tốt hơn giống Hồng Dân 5.
Từ quyết định táo bạo của lãnh đạo huyện Hồng Dân và chỉ với 2kg lúa giống một bụi đỏ Hồng Dân 6 ban đầu, đến nay các nhà khoa học đã nhân đủ giống cấp nguyên chủng cho toàn bộ 15.000ha ở đồng chó ngáp sản xuất và hỗ trợ giống cho nông dân các tỉnh lân cận sản xuất thêm 20.000ha nữa.
Ông Võ Văn Út, bí thư Huyện ủy Hồng Dân, cho biết giống lúa Hồng Dân 6 đang sản xuất dù chịu mặn giỏi, năng suất và chất lượng đều rất tuyệt vời, nhưng chừng 10 năm nữa sẽ không phù hợp do biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.
Năm 2013 huyện đã ký hợp đồng với Trường ĐH Cần Thơ hợp tác nghiên cứu giống lúa chịu được độ mặn cao hơn hiện tại. Huyện đặt tên cho giống lúa mới này là "lúa sỏi" và đang trong quá trình nhân giống để triển khai sản xuất đại trà trong vài năm tới.
Một thửa ruộng trồng lúa một bụi đỏ và nuôi tôm sú ở xã Ninh Thạnh Lợi A - Ảnh: V.TR. |
Trên lúa, dưới tôm
Không chấp nhận an phận với nghề trồng lúa như nông dân các tỉnh khác tại đồng bằng sông Cửu Long, người dân ở đồng chó ngáp đã thử nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên ruộng.
Ông Trần Thanh Phong ở xã Ninh Thạnh Lợi kể: “Đặc thù của vùng này là nước nhiễm mặn bảy tháng, năm tháng còn lại thì nước lợ.
Trước đây mùa mưa thì làm lúa, mùa khô nhiễm mặn thì nuôi tôm. Nhưng làm như vậy không có lời nhiều nên chúng tôi thử thả nuôi tôm sú trên ruộng ngay trong mùa nước lợ.
Thật bất ngờ là tôm vẫn sống. Khi thu hoạch lúa cũng có tôm để bán. Bây giờ nông dân ở đây ai cũng theo mô hình lúa - tôm”.
Ông Phong có 10ha đất gieo sạ giống lúa Hồng Dân 6. Mấy năm trước ông Phong cho đào một số ao ở giữa ruộng để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng quanh năm. Mùa nước lợ ông vừa trồng lúa vừa thả tôm.
Điều đặc biệt là nông dân ở đồng chó ngáp nuôi tôm nhưng không cho ăn thức ăn. Tôm sống một cách tự nhiên nên nguồn nước không bị ô nhiễm, thịt tôm rất ngon.
Ông Phong giải thích: “Khi thu hoạch lúa thì rải vôi trên ruộng để gốc rạ bị phân hủy làm thức ăn cho tôm. Vì không cho tôm ăn thức ăn công nghiệp nên tôm chậm lớn, song điều đó không quan trọng vì nguồn thu chính trong mùa nước lợ là lúa, tôm thả nuôi ké, thu được bao nhiêu cũng tốt.
Trung bình tôi thu hoạch được 120kg tôm/ha. Giá tôm trung bình 200.000 đồng/kg. Mỗi vụ tôi kiếm thêm được hơn 200 triệu đồng từ tôm. Vậy là quá sướng rồi còn gì!”.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, sau khi thu hoạch lúa thì nông dân đồng chó ngáp thả nuôi tôm chính vụ kéo dài khoảng sáu tháng.
Vụ tôm này nông dân cũng bỏ tôm tự sống, tự lớn chứ không cho ăn. Để tăng thu nhập họ còn thả nuôi cua biển. Điều này giải thích tại sao suốt mấy ngày khám phá đồng chó ngáp chúng tôi bị ép ăn toàn tôm với cua chứ chẳng có thịt thà gì.
Tới nhà nào cũng thấy một rổ tôm cỡ ngón tay cái và cả chục con cua hấp, rang muối để đầy trên bàn. Ông Phong cười: “Ở đây lại hiếm thịt heo. Muốn ăn phải đi chợ mất nửa ngày ngồi vỏ lãi. Còn tôm, cua thì sẵn ngoài ruộng cứ bắt lên ăn chứ có phải mua đâu mà sợ tốn tiền”.
Nhưng bây giờ một số nông dân ở đồng chó ngáp Hồng Dân không còn mặn mà với nghề nuôi tôm, phần vì họ bắt đầu sợ bệnh nhà giàu (bệnh gút chẳng hạn) vì bắt buộc ăn mấy loại thực phẩm giàu dinh dưỡng này mỗi ngày.
Ông Lê Phương Vũ (69 tuổi, xã Ninh Thạnh Lợi A) là một trong những hộ đầu tiên nuôi thử cá bống tượng.
Ông Vũ lăn lộn với đồng chó ngáp từ nhỏ đến giờ, từng trồng dừa, trồng khóm nhưng đều thất bại. Dù mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng từ tôm sú nhưng ông thấy chưa khai phá hết tiềm năng của vùng đất kỳ lạ này.
Ông đem cá bống tượng về thả nuôi trong mấy ao tôm sau nhà. Cá lớn nhanh và không hề bị bệnh tật gì. Hiện giá cá bống tượng loại 1 kg/con trở lên được thương lái đến mua với giá 500.000 đồng/kg.
“Tui thả nuôi mấy ngàn con dưới ao. Vài tháng nữa tôi sẽ thu hoạch và chắc chắn sẽ cầm trong tay tiền tỉ” - ông Vũ cười tươi.
_________
Kỳ tới:“Câu lạc bộ tỉ phú” đồng chó ngáp