Trở lại V-League và những lo toan của Bình Định

Giải hạng Nhất 2020 đã khép lại với chức vô địch của Bình Định và lần lượt xếp sau là Bà Rịa-Vũng Tàu, Sanna Khánh Hòa. Tính cả đội hạng tư Phố Hiến thì đấy là nhóm đội bóng có nội lực ổn định nhất trong 12 CLB dự giải. Họ đều tăng tốc ngay từ đầu khi thay nhau dẫn đầu bảng xếp hạng. Nhưng càng về cuối giải, tham vọng thật của họ dần bộc lộ một cách rõ ràng nhất.

Sanna Khánh Hòa bỗng dưng bán ba cầu thủ hay nhất của mình cho TP.HCM để lấy tiền trang trải nợ nần; Bà Rịa-Vũng Tàu giờ chót quỵ ngã khi hiểu ra nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn vì đang ôm một đội V-League còn chật vật; Phố Hiến với dàn quân trẻ một phần đá ngày càng đuối, phần còn lại nếu lên hạng sẽ... ra đường và không chắc ai chịu đứng ra gánh đội; chỉ có Bình Định rất muốn trở lại V-League thì đã lên.

Đã lâu lắm rồi sân Quy Nhơn mới đón một lượng khán giả đông đảo hơn 15.000 người đến xem trận cuối đá với Phố Hiến không còn động lực tranh đua. Thế nhưng phần lớn đều thất vọng với cách chơi thiếu sinh khí và căng cứng của học trò HLV Nguyễn Đức Thắng. May mà pha đánh đầu của Viết Triều ở phút 65 bên cạnh ba cái bóng áo cam khác không gặp sự phản ứng mạnh từ hàng thủ khách đã giúp Bình Định có một chiến thắng làm quà cho người yêu bóng đá.

Niềm hạnh phúc vô bờ bến của Bình Định (ảnh lớn) khi lên hạng trên “chảo lửa” Quy Nhơn (ảnh nhỏ). Ảnh: ANH PHƯƠNG

Chỉ hơn nửa ngày sau chức vô địch, Bình Định đã ngồi lại để tính toán cho cuộc chơi mới ở V-League mùa sau với bộn bề lo toan. Ai cũng biết Bình Định chắc chắn phải “thay máu” sạch sẽ lực lượng đã quá tuổi trưởng thành mà chưa chín chắn với 12/33 cầu thủ bản địa chủ yếu ngồi dự bị. Hàng loạt cầu thủ mượn từ Viettel, Thanh Hóa, Hà Nội... phải trở về đội.

Năm 2001, Bình Định đại thắng An Giang 9-2 để lên hạng V-League với thành phần có đến 9/11 cầu thủ địa phương, cộng với ngoại binh Blessing và trung vệ Ngọc Quang mượn của Kon Tum.

Năm 2020, chủ sân Quy Nhơn nhọc nhằn vượt qua Phố Hiến 1-0 bằng đội hình chính không có cầu thủ nào gốc Bình Định. Duy có điều, sự cuồng nhiệt và đam mê của giới hâm mộ bóng đá đất võ không thay đổi chút nào.

Một sự so sánh nhỏ cho thấy tính bản sắc của Bình Định gần như là con số 0 tròn trĩnh. Nó cũng nói thay cho hiệu quả chưa cao trong đào tạo trẻ dù bóng đá nơi đây vẫn có đầy đủ những lứa U. Chỉ có tình yêu của khán giả vẫn nguyên vẹn như ngày nào.

Có thời điểm ngặt nghèo, Bình Định không đủ kinh phí đá giải hạng Nhất, đến nỗi bị các nhà tổ chức đánh rơi xuống hạng Ba. Tất cả đều xuất phát từ một chữ “tiền”, sau quá nhiều năm họ vắng bóng nhà tài trợ yêu bóng đá và tâm huyết thực sự. Cầu thủ giỏi không có đất dụng võ, phải bôn ba hành nghề tứ xứ.

Nhớ hồi năm 2003, bầu Đức từng lặng lẽ đầu tư cho Bình Định đá tưng bừng ở V-League lẫn vô địch Cúp Quốc gia. Sau đó, đội bóng đá đất võ còn có Hoa Lâm đỡ đầu, rồi đến PISICO, BOSS, SQC, TMS nhưng ai cũng âm thầm chia tay theo kiểu “hết xôi rồi việc”, khi thỏa mãn những nhu cầu lại quả về đất vàng, dự án...

Chỉ hy vọng Hưng Thịnh khi chấp nhận chung tay với “ngựa ô Bình Định” vang bóng một thời sẽ không đi vào vết xe đổ như những nhà tài trợ khác, không phải vì yêu mà đến.

Xóa đi, làm lại

Sau khi vô địch giải hạng Nhất, bóng đá Bình Định bắt buộc phải thay đổi toàn diện mà chẳng khác gì xóa đi, làm lại. Hầu hết cầu thủ không đủ sức đá V-League. Trợ lý Phan Bá Hùng sẽ chia tay đội. HLV Nguyễn Đức Thắng còn hợp đồng một năm, cùng dàn trợ lý địa phương như Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Hiển, Bùi Đoàn Quang Huy hiểu rõ nhất địa phương tính ở “chảo lửa” Quy Nhơn luôn nóng bỏng với sự yêu ghét rạch ròi của giới hâm mộ. Chắc chắn Bình Định sẽ phải tốn rất nhiều tiền để sửa sang lại các phòng chức năng, hay những khán đài, mặt cỏ... xuống cấp. Chỉ mong cho lời hứa đầu tư hơn 100 tỉ đồng giúp CLB Bình Định của nhà tài trợ ở mùa bóng sau không bị gió cuốn đi. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm