Trung Quốc: Canada nên 'rút ra bài học' từ vụ bà Mạnh Vãn Châu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Canada nên “rút ra bài học” sau khi giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Châu được thả tự do và trở về quê nhà, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 25-9, bà Mạnh đã đạt được thỏa thuận với các công tố viên Mỹ và nhanh chóng sau đó, lên máy bay trở về TP Thâm Quyến (Trung Quốc), kết thúc ba năm bà này bị quản thúc tại gia trong thời gian giới chức tư pháp Canada xem xét yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

Trong cuộc họp báo hôm 27-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhận xét rằng việc bà Mạnh được trả tự do và trở về nước cho thấy khả năng của giới lãnh đạo tại Bắc Kinh trong việc bảo vệ các công dân, công ty và lợi ích của Trung Quốc. 

Bà Mạnh Vãn Châu vẫy tay lúc vừa trở về TP Thâm Quyến (Trung Quốc) hôm 25-9. Ảnh: REUTERS

“Canada nên rút ra bài học và hành động theo lợi ích của chính mình” - bà Hoa nói thêm.

Bà Hoa cũng được hỏi về việc hai công dân Canada tên Michael Kovrig và Michael Spavor - những người bị Bắc Kinh bắt giam vì cáo buộc gián điệp - đã được phép rời khỏi Trung Quốc chỉ vài giờ sau khi bà Mạnh được trả tự do. Trước đó, chính quyền Ottawa nhiều lần cáo buộc đây là động thái “ngoại giao con tin” nhưng Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc.

Cùng ngày, tờ Thời báo Hoàn Cầu - chuyên san quốc tế đại diện cho tiếng nói của giới lãnh đạo Trung Quốc - tiết lộ rằng hai ông Kovrig và Spavor đã “thú tội” và được trả tự do vì vấn đề sức khỏe. Về việc bà Mạnh được phép trở về Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng đây là cơ hội để cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh với Ottawa và Washington, song nêu ra nghi ngại về “luận điệu chính trị độc hại” đã ảnh hưởng tới bầu không khi quan hệ giữa các bên.

GS quan hệ quốc tế Thời Yên Hoằng thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng việc các bên “làm dịu” lập trường của mình là một chuyển biến “tích cực nhưng hạn chế” và không có quá nhiều giá trị trong bức tranh tổng thể quan hệ giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ.

Ông Thời lưu ý rằng “không có chỉ dấu nào” cho thấy Mỹ sẽ mềm mỏng hơn trong căng thẳng thương mại với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh nhiều khả năng cũng sẽ không ngay lập tức nới lỏng các hạn chế trong giao thương với Ottawa.

Trong khi đó, hai chuyên gia Trung Quốc khác là ông Hoàng Tịnh (Đại học Ngôn ngữ và văn hóa Bắc Kinh) và ông Tống Lỗ Trịnh (Đại học Phúc Đán) có cái nhìn lạc quan hơn. Ông Hoàng nhấn mạnh rằng Trung Quốc với Canada và Mỹ “hoàn toàn có thể ngồi xuống và giải quyết bất đồng trong hòa bình”, trong khi ông Tống tin tưởng rằng đàm phán Trung-Mỹ về căng thẳng thương mại có thể được nối lại từ cuối tháng 10 tới.

Nhà Trắng bác giả thuyết về một vụ trao đổi tù nhân

Cùng ngày 27-9, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhận được câu hỏi từ giới truyền thông rằng liệu việc bà Mạnh và hai công dân Canada lần lượt được thả tự do có phải một vụ “trao đổi tù nhân” hay không.  

Bà Mạnh Vãn Châu phát biểu trên sóng đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 26-9. Ảnh: REUTERS

Bà Psaki bác bỏ suy diễn này, cho biết việc các công tố viên Mỹ đạt được thỏa thuận liên quan vụ bà Mạnh là “là một vấn đề về thực thi pháp luật” và nhấn mạnh rằng Bộ Tư pháp đã hoạt động “độc lập” để đưa ra quyết định này.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết cơ quan này vẫn đang chuẩn bị xét xử bà Mạnh.

Bà Psaki cũng cho biết rằng trong cuộc điện đàm hôm 9-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập chuyện bà Mạnh còn Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh yêu cầu trả tự do cho hai công dân Canada, song “không có cuộc thương lượng nào” về việc “trao đổi tù nhân”.

Trước đó - trong cuộc họp báo cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 27-9 cũng nói rằng hai vụ việc trên là “hoàn toàn khác biệt”. Đồng thời, bà Hoa cáo buộc việc bà Mạnh bị xem xét dẫn độ sang Mỹ là “sự đàn áp chính trị”.

Đại diện Nhà Trắng cũng lưu ý rằng thỏa thuận trả tự do cho bà Mạnh không đồng nghĩa với việc Mỹ cảm thấy bớt lo ngại về Trung Quốc. Bà Psaki nhấn mạnh rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là “không thay đổi” và Washington sẽ tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh “phải chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh tế không công bằng, các hành động cưỡng chế trên toàn thế giới và các hành vi vi phạm quyền con người”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm