Trung Quốc vừa tiến hành đối thoại với phe đối lập Venezuela để bảo vệ các khoản đầu tư của mình ở đất nước Mỹ La tinh đang bị khủng hoảng này, trong bối cảnh áp lực với Tổng thống Nicolas Maduro ngày càng tăng, tờ The Wall Street Journal đưa tin. Ông Maduro là một đồng minh lâu năm sống còn của Trung Quốc.
Trung Quốc và phe đối lập Venezuela gặp nhau tại Mỹ
Cụ thể, lo ngại về tương lai các dự án dầu mình đầu tư ở Venezuela cũng như gần 20 tỉ USD mà Venezuela nợ mình, Trung Quốc vài tuần gần đây đã cử một số nhà ngoại giao đối thoại với các đại diện của lãnh đạo đối lập, Chủ tịch Quốc hội Venezuela, tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido. Các cuộc gặp diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ).
Theo những người biết về các cuộc đối thoại thì từ năm 2007 đến nay, Venezuela mượn Trung Quốc hơn 50 tỉ USD trong hàng loạt khoản vay thế chấp dầu. Ngoài ra theo thống kê từ Bộ Thương mại Trung Quốc thì Venezuela còn có một khoản nợ 20 tỉ USD với nước này.
Trung Quốc không muốn mất các khoản vay này, và theo hai nguồn tin biết về các cuộc đối thoại thì một số cố vấn kinh tế của phe đối lập Venezuela đề xuất cho chủ nợ giữ trái phiếu của chính phủ. Hai bên đã bàn về thời điểm thực hiện kế hoạch trả nợ liên quan đến chính phủ chuyển tiếp Venezuela.
Đại diện của lãnh đạo đối lập, Chủ tịch Quốc hội Venezuela, tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido (ảnh) đã gặp các nhà ngoại giao Trung Quốc bàn về các khoản vay và đầu tư vào dầu mỏ của Trung Quốc với Venezuela. Ảnh: REUTERS
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không chính thức bình luận về thông tin này, tuy nhiên trong vài tuần gần đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng từng đề cập đến khả năng đối thoại với Venezuela và mong muốn các quyền lợi của mình được tôn trọng.
Từ ngày 1-2, khi được hỏi về đồn đoán đối thoại với phía Venezuela, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói nước này “đang liên lạc chặt với tất cả các bên bằng nhiều cách về tình hình Venezuela”.
“Không cần biết tình hình tiến triển thế nào, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Venezuela không nên bị hủy hoại”, ông Cảnh Sảng nói.
Diễn biến này là dấu hiệu cho thấy các chủ nợ Venezuela đang bắt đầu lo lắng với khả năng chính phủ ông Maduro không trụ được. Gần 2 thập niên qua, các khoản vay liên quan dầu mỏ từ Trung Quốc và Nga là nguồn hỗ trợ sống còn với Venezuela. Quan hệ giữa Venezuela với các nước này rất tốt đẹp dưới thời người tiền nhiệm ông Maduro, cố Tổng thống Hugo Chavez. Không chỉ với Trung Quốc và Nga, ông Chavez cũng rất nỗ lực bồi dưỡng quan hệ với các nước Cuba, Iran, Ấn Độ để làm đối trọng với Mỹ.
Tuy nhiên, các quan hệ thương mại và tài chính giữa Venezuela với các nước trên có dấu hiệu xấu đi kể từ khi ông Maduro lên nắm quyền năm 2013 và kinh tế Venezuela bắt đầu xuống thấp, giá dầu giảm hơn một nửa.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang phải chịu đựng áp lực ngày càng tăng từ trong nước và cả nước ngoài. Ảnh: REUTERS
Thêm nữa, việc Mỹ áp trừng phạt lên ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela vào tháng trước cũng khiến chính phủ ông Maduro khó khăn hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu nhập ý nghĩa duy nhất của Venezuela và dự kiến sẽ còn làm giảm xuất khẩu dầu Venezuela thêm nữa.
Các lệnh trừng phạt của chính phủ Trump nhằm mục tiêu di chuyển các tài sản và thu nhập liên quan dầu mỏ ra khỏi chính phủ ông Maduro và đưa về tay ông Guaido, cắt đường tiếp cận các khách hàng lớn của Venezuela.
Chính phủ Venezuela phải vào cuộc tìm kiếm thêm khách hàng mua dầu mới. Đến lúc này Venezuela đã tìm được một số khách hàng thay thế, trong đó có tập đoàn quốc doanh Bahri của Saudi Arabia. Đầu tuần này Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Manuel Quevedo sang Ấn Độ thuyết phục nước này mua thêm dầu. Tuy nhiên nhiều quan chức Ấn Độ cho biết nước này đang ngày càng thêm bất mãn với Venezuela khi hàng năm trời trì hoãn trả khoản nợ 500 triệu USD cho công ty dầu quốc doanh ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ.
Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Manuel Quevedo (giữa) tại Ấn Độ ngày 11-2 để thuyết phục Ấn Độ mua thêm dầu. Ảnh: REUTERS
Về phần mình, ông Guaido từng công khai chìa cành ô liu cho Trung Quốc và Nga, nói rằng thay đổi chính trị sẽ là khởi điểm dẫn tới các thay đổi kinh tế khôi phục sự ổn định cho Venezuela. Ông Guaido khẳng định Venezuela – nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới nên duy trì quan hệ với Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Trung Quốc không muốn "bỏ trứng vào một rổ"
Theo nhận định của chuyên gia về quan hệ Trung Quốc ở Mỹ Latinh R Evan Ellis tại đại học Quân sự Mỹ, chỉ có ông Guaido mới có thể dỡ được lệnh trừng phạt của Mỹ và giúp Venezuela khôi phục xuất khẩu dầu, và Trung Quốc biết điều này và biết mình sẽ được hưởng lợi từ điều này.
“Trung Quốc thừa nhận rủi ro thay đổi thể chế đang ngày càng tăng và không muốn bị bất lợi với thể chế mới. Họ thích sự ổn định, nhưng họ cũng nhận ra họ cần phải bỏ trứng vào giỏ khác nữa”, tờ báo Mỹ dẫn lời chuyên gia Ellis nói.
Giống Trung Quốc, Nga cũng công khai ủng hộ ông Maduro nhưng không sẵn sàng chi viện thêm tiền cho chính phủ ông Maduro. Không đồng minh nào chi các khoản vay lớn cho Venezuela trong những năm gần đây.
Đầu tháng này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói Nga cởi mở khả năng đối thoại với ông Guaido, rằng Nga hy vọng sẽ duy trì sự hợp tác với Venezuela “bất kể các diễn biến chính trị ở nước này”.