Rõ ràng, phán quyết của Tòa Trọng tài khoảng ba năm về trước đã xóa sạch mọi lý lẽ của Bắc Kinh đưa ra trong yêu sách đường chín đoạn - một tuyên bố tham vọng biến toàn bộ vùng biển Đông trở thành “ao nhà”. Cụ thể, tòa bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Bắc Kinh.
Dẫu vậy, vẫn còn nhiều vấn đề tại biển Đông mà tòa chưa thể giải quyết. Điển hình nhất là chưa thể xem xét yêu sách chủ quyền của các quốc gia trong khu vực đối với các thực thể ở biển Đông. Ngoài ra, khi Philippines khởi kiện, TQ đã bác bỏ phán quyết về thẩm quyền của tòa với vụ kiện (năm 2015) và phán quyết vụ kiện (năm 2016). Như vậy, một phán quyết của tòa dù chính xác và rõ ràng thì vẫn chưa thể tức thời buộc TQ tuân theo, nhất là khi đây lại là cường quốc kinh tế đang nuôi tham vọng lập lại trật tự khu vực và thế giới mới không phải chỉ một mình Mỹ lãnh đạo.
Tuy nhiên, TQ cũng không thể làm lơ phán quyết của tòa mãi được. Thứ nhất, phán quyết dựa trên Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mang tính đại diện cho ý chí cộng đồng quốc tế. Các phân tích của Sáng kiến minh bạch biển châu Á (AMTI) và tạp chíWall Street Journal cho thấy số quốc gia tuyên bố ủng hộ TQ về vụ kiện của Philippines là rất ít, trong khi các nước tuyên bố ủng hộ Tòa Trọng tài rất nhiều.
Thứ hai, việc TQ quân sự hóa biển Đông cùng với các động thái đe dọa các nước xung quanh, lẫn các nước thứ ba tại vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới, đang khiến các quốc gia ngày càng quan ngại. Không thiếu những bài học về thiệt hại xảy ra với các nước khi các tuyến hàng hải huyết mạch (như biển Đông) bị độc chiếm. Vậy nên bên cạnh việc mở rộng hiện diện quân sự chiến lược (như cách mà Mỹ, Úc, Nhật, Anh, Pháp, các nước ASEAN đang làm), việc ủng hộ phán quyết của tòa và tìm cách thực thi phán quyết này là một giải pháp khả dĩ và văn minh.
Có nhiều cách để buộc Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của tòa: Các quốc gia tiến hành tuần tra tự do hàng hải chung thách thức TQ; hình thành các liên minh pháp lý tiếp tục khởi kiện TQ khi thích hợp; ủng hộ ngư dân và các chủ thể có lợi ích hợp pháp trên biển kiện TQ (ví dụ, cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu tổng thanh tra Conchita Carpio Morales khởi kiện Chủ tịch TQ Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ở Hà Lan về các hành xử của TQ ở biển Đông hồi tháng 3).
Một mình Philippines khởi kiện trong bối cảnh sự kết nối của cộng đồng quốc tế, nhất là vai trò của Mỹ tại khu vực, còn rời rạc, chưa đủ khiến Bắc Kinh tôn trọng luật chơi chung. Nhưng nếu cộng đồng quốc tế phản ứng, khởi kiện, tuần tra tự do hàng hải, v.v. thì chắc chắn TQ sẽ phải “suy nghĩ ít nhất hai lần” trước khi hành động.