Gần đây, Trung Quốc bắt đầu phanh phui các thông tin gian lận bầu cử chưa từng có ở tỉnh Liêu Ninh. Theo tờ South China Morning Post, các giám đốc điều hành doanh nghiệp sẵn sàng chi ra từ hàng trăm đến hàng triệu nhân dân tệ để mua chức vụ mình mong muốn. Việc chi tiền cho cử tri hoặc gửi hàng chục triệu nhân dân tệ cho những người môi giới chính trị có tiếng tăm là hai cách mà họ sử dụng để gian lận trong cuộc bầu cử HĐND cấp tỉnh.
Theo South China Morning Post, đây là vụ gian lận bầu cử lớn nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Các nguồn tin cho biết tham nhũng là một hiện tượng rất phổ biến đến nỗi các nhà lập pháp khác thấy rất khó khăn để từ chối hối lộ. Vụ bê bối chính trị trên đã làm dấy lên mối lo ngại rằng những cuộc giao dịch phi pháp tương tự có thể đang xảy ra ở khắp Trung Quốc khi rất nhiều cơ quan lập pháp địa phương đều đang chuẩn cho cuộc bầu cử vào đầu năm tới.
Tháng trước, 45 trong 102 đại biểu Quốc hội và 454 trong số 612 thành viên của HĐND cấp tỉnh đã bị bãi nhiệm. Ảnh: SCMP
"Với tham vọng giành được một ghế trong Hội đồng lập pháp, một số người có thể đưa cho các cử tri bao lì xì chứa tiền mặt từ 500 đến 5.000 nhân dân tệ (tương đương 1.650.000-16.500.000 VND) tại các buổi tiệc chiêu đãi mà họ tổ chức" - một quan chức tại TP Thẩm Dương cho biết. "Những người khác có thể chi ra số tiền lớn hơn nhiều, dao động... đến hàng chục triệu nhân dân tệ cho những người môi giới chính trị, thường là những ông lớn như người đứng đầu cơ quan lập pháp tỉnh hoặc TP và ngồi chờ tin tốt".
Một quan chức giấu tên cho biết ông rất quen thuộc với vụ gian lận bầu cử lớn ở tỉnh Liêu Ninh ba năm trước. Tháng trước, vụ việc này đã dẫn đến việc bãi nhiệm 45 trong 102 thành viên đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và 454 trong số 612 thành viên của HĐND cấp tỉnh.
Ở Trung Quốc, các nhà lập pháp cấp TP và cấp tỉnh chủ yếu được bầu bởi HĐND đại diện cho các bộ phận hành chính hoặc các cấp thấp hơn. Ví dụ, đa số đại biểu HĐND được bầu bởi các nhà lập pháp cấp tỉnh, những người này lại được bầu bởi các nhà lập pháp cấp quận.
Quan chức này cho biết những người môi giới chính trị thường sẽ phải hoàn lại tiền đầy đủ nếu người đã nhờ vả mua chức không được bầu cử. Tuy nhiên, một nhà báo kỳ cựu ở tỉnh Liêu Ninh lại cho biết có một trường hợp một giám đốc công ty tư nhân đã cãi vã gay gắt với tay môi giới vì không được hoàn tiền lại sau cuộc bầu cử thất bại hồi năm 2013.
Quan chức này cũng cho biết trong số 454 nhà lập pháp cấp tỉnh đã bị bãi nhiệm, có một người đã nhận tổng cộng hơn 100.000 nhân dân tệ (tương đương 334 triệu VND) được tặng tại các tiệc chiêu đãi trước cuộc bầu cử năm 2013. Nhưng bà đã giành được vị trí nhờ vào năng lực bản thân chứ không phải do đi hối lộ người khác, ông nói.
Đại biểu Quốc hội tại phiên họp hằng năm ở Bắc Kinh vào tháng 3. Ảnh: REUTERS
"Nữ đại biểu này chỉ là một nhân viên có gốc gác từ nông thôn, bà không có nhiều tiền để mua chuộc người khác để giành được vị trí trong hội đồng lập pháp. Sau khi bị bãi nhiệm khỏi HĐND cấp tỉnh, hiện bà vẫn làm việc bình thường như trước đây, nộp lại tất cả số tiền bà đã được tặng".
Ông cho biết việc nhận hối lộ trước thềm bầu cử HĐND tỉnh đã trở thành một thường lệ ở Liêu Ninh. "Nếu bạn từ chối không nhận quà cáp trong khi những người khác đều nhận thì bạn chính là người đang phá vỡ các quy tắc ngầm, những món quà được tặng bao gồm phong bì đỏ hoặc các loại trà đắt đỏ hay xa xỉ phẩm khác" - ông nói.
Tệ hơn nữa, ông cho biết một số ứng cử viên nhận thấy họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hối lộ bởi vì có quá nhiều người đã hối lộ để vào hội đồng lập pháp trong những năm gần đây.
Một cựu đại biểu của tỉnh Liêu Ninh cho biết việc trả tiền để mua ghế trong hội đồng lập pháp từ lâu đã trở nên phổ biến trong các cuộc bầu cử địa phương. "Một người phải đối phó với rất nhiều "việc vặt" trước khi giành được một ghế tại Quốc hội" - ông nói.