Trung Quốc mưu lập Tam Sa từ năm 1990

Tuy nhiên, động thái của Trung Quốc trong mấy chục năm qua ở quần đảo Hoàng Sa đã chứng minh Trung Quốc đã chuẩn bị từ lâu để tiến tới thành lập Tam Sa.

Tác giả J. Michael Cole nhận định như trên trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 23-7.

J. Michael Cole dẫn chứng từ năm 1990, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng đường băng dài 2.700 m trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng) nhằm phục vụ cho máy bay vận tải và máy bay chiến đấu, trong đó có máy bay Sukhoi Su-27 và Su-30MKK.

Sau đó, Trung Quốc đã cho xây dựng trên đảo Phú Lâm nhiều kho nhiên liệu, bốn nhà chứa máy bay và cảng hải quân nước sâu đủ sức tiếp nhận tàu khu trục. Quân đội Trung Quốc cũng đã triển khai nhiều trạm tình báo điện tử trên đảo Phú Lâm và các đảo nhỏ xung quanh.

Các hoạt động nêu trên diễn ra trong một thời gian dài từ cuối thập niên 1990 và kéo dài suốt thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Bởi thế, J. Michael Cole nhận định quyết định thành lập TP Tam Sa (ngày 21-6) và cơ quan chỉ huy quân sự (ngày 19-7) ở Tam Sa không thể nói là phản ứng nhất thời của Trung Quốc khi Việt Nam thông qua Luật Biển.

Điều này cũng đã làm suy yếu lập luận của Bắc Kinh cho rằng cách hành xử của Trung Quốc trong thời gian gần đây ở biển Đông chỉ nhằm đáp trả trước thái độ kiên quyết khẳng định chủ quyền của Việt Nam và Philippines.

J. Michael Cole dự báo thời kỳ Trung Quốc dựa chủ yếu vào các tàu cá để gây áp lực ở biển Đông có thể sớm chấm dứt và quyết định thành lập TP Tam Sa là một phần trong hàng loạt nỗ lực nhằm củng cố kế hoạch mở rộng chiến lược thống lĩnh biển Đông của Trung Quốc.

Trục trung tâm của kế hoạch này chính là công tác xây dựng căn cứ hải quân Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam kéo dài ròng rã 10 năm nay. Như vậy, thành lập TP Tam Sa chỉ có thể là âm mưu xây dựng tiền đồn hoặc căn cứ tiếp nhiên liệu cho hải quân Trung Quốc ở biển Đông.

J. Michael Cole khẳng định quyết định thành lập TP Tam Sa cấp vùng chỉ làm căng thẳng ở biển Đông leo thang trở lại. Bởi theo quy định của Trung Quốc, các TP cấp vùng sẽ có tối thiểu 6.000 quân và cơ quan chỉ huy quân sự cấp vùng có thể bao gồm không quân và hải quân.

Ngày 24-7, Giám đốc chương trình châu Á của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (Bỉ) Paul Quinn-Judge cũng nhận định căng thẳng ở biển Đông có thể leo thang thành xung đột. Ông ghi nhận Trung Quốc đang tích cực tạo chia rẽ trong nội bộ ASEAN bằng cách thực hiện đối sách ưu đãi đối xử đối với các nước ASEAN ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở biển Đông.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm