Bên cạnh đó Trung Quốc vẫn duy trì sáu tàu quân sự và một máy bay trinh sát tại khu vực giàn khoan trái phép. Cụ thể, khoảng 8g45-8g55 cùng ngày, lực lượng thực thi công vụ trên biển của Việt Nam đã phát hiện hai máy bay chiến đấu lượn hai vòng trên khu vực Nam Tây Nam cách giàn khoan 12 hải lý ở độ cao 1000-1500m.
Trước đó vào các thời điểm 6g37, 7g và 7g40 một máy bay trinh sát cánh bằng của Trung Quốc đã bay ba lượt từ hướng Bắc Đông Bắc bay qua khu vực các tàu của Việt Nam, lượn 1-3 vòng ở độ cao 500-1500 m, sau đó rời khỏi khu vực theo hướng Nam Tây Nam. Ngoài tàu quân sự và máy bay, Trung Quốc tiếp tục duy trì hơn trăm tàu các loại bủa vây quanh khu vực giàn khoan trái phép để uy hiếp, đe dọa lực lượng tàu thực thi công vụ và tàu ngư dân Việt Nam. Trong số đó có 41-43 tàu hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 17-18 tàu kéo và khoảng 40 tàu cá vỏ sắt.
Trong ngày, các tàu kiểm ngư VN tiếp tục cơ động vào cách giàn khoan từ 9,5-10,5 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu vận tải và tàu kéo của Trung Quốc đã dàn thành đội hình hàng ngang, đồng loạt tăng tốc độ áp sát các tàu công vụ của Việt Nam, lúc áp sát gần nhất cách từ 150-200m, nhằm ngăn cản tàu Việt Nam ra khỏi giàn khoan trái phép ở khoảng cách từ 11-12 hải lý.
Cách khu vực giàn khoan 40-43 hải lý, các tàu ngư dân Việt Nam tiếp tục đánh bắt thủy sản trên ngư trường tuyền thống của mình nhưng gặp phải sự đe dọa, chèn ép của các tàu Trung Quốc. Cụ thể tại đây, Trung Quốc sử dụng 40 tàu cá vỏ sắt dưới sự hỗ trợ của 2 tàu hải cảnh số hiệu 46102 và 46106 đã tổ chức ngăn cản các tàu cá của Việt Nam vào gần giàn khoan khai thác hải sản.
Trước sự uy hiếp của Trung Quốc, các tàu công vụ và tàu cá của Việt Nam vẫn tiếp tục bám vùng biển thuộc chủ quyền của mình để tiếp tục đấu tranh phản đối Trung Quốc, đồng thời bám sát ngư trường truyền thống để khai thác thủy sản.
Trọng Phú