Siêu lừa Gilbert Chikli từng là chủ nhân của một cửa hàng bán quần áo tại Sentier, một khu phố tại Paris được xây dựng từ cuối thế kỷ 18 trên nền một khu ổ chuột thời trung cổ. Sentier được mệnh danh là khu phố của những người lam lũ tìm cách vươn lên trong xã hội, từ những người Do Thái gốc Đông Âu và Bắc Phi đến cộng đồng Hoa kiều tại Pháp. Ở khu phố của sự bon chen kiếm chác này, Gilbert Chikli đã phác thảo những ý tưởng lừa đảo siêu hạng của mình.
Truy lùng siêu lừa
Công cụ lừa đảo của Chikli vô cùng đơn giản: Điện thoại. Hắn gọi điện thoại trực tiếp đến công ty quản lý Công viên giải trí Disneyland tại Paris, rồi tự nhận mình là CEO của Disneyland. Hắn gọi đến Tập đoàn Công nghệ Thomson SA của Pháp và dụ dỗ một nhân viên của công ty chuyển hàng triệu euro đến các tài khoản ở Nga, Thụy Sĩ và Anh. Chiêu thức lừa đảo “đơn giản” này đã được Chikli áp dụng để “hạ gục” nhiều công ty lừng danh khác trên thế giới như Ngân hàng Barclays của Hoàng gia Anh, Công ty Kinh doanh nghệ thuật Galaries Lafayette và hãng tín dụng khổng lồ của Mỹ - American Express.
Một tòa án của Pháp đã ra phán quyết Chikli tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản các ngân hàng lớn trên thế giới như La Banque Postale, LCL và HSBC. Tổng số tiền trong những vụ lừa đảo trên được ước tính lên đến gần 6,1 triệu euro. Tòa án Pháp cũng kết tội Chikli đã cố tìm cách “hút” hơn 70 triệu euro từ ít nhất 33 “con mồi triệu đô” khác.
Cuối cùng thì chính quyền Pháp cũng bắt được Chikli vào năm 2006 và bỏ tù siêu lừa này bốn năm vì hàng tá tội danh cố ý lừa đảo. Nhiều vụ án bị chặn đứng ngay những giây phút cuối cùng trước khi kịp trót lọt. Năm 2009, do cơ quan điều tra Pháp tuyên bố thiếu bằng chứng một số tội danh khác của Chikli, hắn trả khoản phí trị giá 30.000 euro để ra tù sớm rồi lập tức thuê một chiếc chuyên cơ bay qua một quốc gia thứ ba rồi đến Israel để trốn ngoài vòng pháp luật.
Những bằng chứng mới bổ sung cho các tội danh mà Chikli bị cáo buộc chỉ mới được đưa ra ánh sáng vào năm 2011, khi hắn đã cao chạy xa bay đến Israel. Không những không chối bỏ phán quyết của tòa án vào năm 2015, Chikli còn khoe khoang về chiến thuật lừa đảo của mình trên kênh truyền hình i24 TV.
Chikli cho biết: “Khi đã thành công với chiêu thức này, bạn sẽ nghiện. Bởi vì bạn chỉ cần một chiếc điện thoại và một thẻ gọi 100 euro, bạn có thể kiếm đến 10 triệu euro trong khi đang cách xa Paris đến hơn 5.000 km”. Tự tin vào khả năng lừa đảo siêu hạng của mình, Chikli cho rằng hắn không đơn thuần là một kẻ lừa đảo mà còn là một “tay chơi” và tất cả đối với hắn chỉ là một “trò chơi” chưa có điểm dừng.
Trung Quốc được “siêu lừa” nước Pháp chọn làm “thiên đường” để rửa tiền. Ảnh: AFP
“Siêu lừa” Gilbert Chikli (nam) vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật tại Israel. Ảnh: AFP
Trung Quốc: “Thiên đường” rửa tiền
Trung Quốc gần đây đang nổi lên như một đầu mối rửa tiền ưa thích của tội phạm, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các nơi khác. Theo các báo cáo điều tra của cảnh sát và một số vụ kiện gần đây ở Mỹ và châu Âu, điều khiến Trung Quốc trở nên hấp dẫn với tiền bẩn quốc tế nằm ở số lượng kênh rửa tiền đa dạng: các ngân hàng nhà nước lớn, các dàn xếp xuất nhập khẩu, cùng các hệ thống đổi tiền ngầm đã tồn tại qua hàng thế kỷ.
Thật ra Trung Quốc không xa lạ gì với hoạt động rửa tiền. Dù vậy, hoạt động này trước nay chủ yếu đến từ nội địa. Giờ đây, các điều tra mới cho thấy ngày càng nhiều tội phạm nước ngoài tận dụng những mạng lưới tinh vi ở Trung Quốc để chuyển tiền phi pháp, vốn hầu như nằm ngoài tầm với của lực lượng chức năng phương Tây.
Gilbert Chikli là một tay lừa đảo lão luyện gốc Israel, người bị cáo buộc ăn cắp từ các công ty phương Tây tổng số tiền lên tới 1,8 tỉ USD. Thủ đoạn chủ yếu được Chikli dùng là giả danh chủ tịch hay CEO các tập đoàn lớn để lừa đảo bằng email giao dịch. Chikli cũng được cho là đã rửa tiền bẩn kiếm được tại Trung Quốc - nơi được xem là lỗ hổng dễ lợi dụng trong hệ thống tài chính toàn cầu.
“Trung Quốc đã trở thành cửa ngõ quen thuộc của đủ loại lừa đảo quốc tế” - Chikli trả lời phỏng vấn hãng tin AP. Kẻ lừa đảo mang hai dòng máu Pháp-Israel cho biết đã rửa 90% số tiền bẩn kiếm được qua ngõ Trung Quốc và Hong Kong. Nhưng rõ ràng Chikli không phải là tội phạm nước ngoài duy nhất rửa tiền ở Trung Quốc.
Tin tình báo phương Tây tiết lộ việc các mạng lưới tội phạm Israel đang liên kết với dân nhập cư gốc Trung Quốc ở khắp châu Âu để rửa tiền qua mạng lưới “fei qian - tiền bay”. Nhóm dân nhập cư này đưa tiền mặt cho các trung gian, vốn là các thành viên uy tín trong cộng đồng người Hoa ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ hoặc Đức. Các trung gian này cho những kẻ lừa đảo biết thông tin tài khoản ngân hàng để chuyển tiền bẩn. Khi giao dịch này được xác nhận, bọn lừa đảo sẽ nhận tiền mặt từ các trung gian người Hoa.
Tháng 2-2016, giới chức trách Tây Ban Nha đã bắt giữ sáu chuyên viên thuộc các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc vì cung cấp dịch vụ rửa tiền cho các tập đoàn tội phạm người Hoa và Tây Ban Nha. Mạng lưới này được Europol cho biết có khả năng kéo dài tới tận Pháp, Đức và Litva.
Theo cáo trạng của Ủy ban Công lý Hoa Kỳ tháng 9-2015, ba người Colombia trú tại Quảng Châu, Trung Quốc đã rửa hơn 5 tỉ USD đến từ các tổ chức buôn ma túy tại Mexico và Colombia thông qua các tài khoản ngân hàng tại Hong Kong và Trung Quốc lục địa. Tiền rửa xong được dùng để mua hàng giả từ Trung Quốc, rồi nhập vào Colombia cùng một số thị trường khác để bán lại.
Những kẻ như Chikli len lỏi được vào góc khuất của sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc: Mạng lưới tài chính phi chính thức có từ lâu đời, qua đó trộn lẫn tiền phi pháp của mình vào dòng chảy nhộn nhịp của các giao dịch thương mại và đầu tư tại đây.
Rất nhiều tiền đã rò rỉ phi pháp qua dòng chảy này. Các công ty khai giảm giá xuất khẩu hoặc khai khống giá nhập khẩu để chuyển vốn ra nước ngoài là một ví dụ. Hệ thống ngân hàng ngầm vẫn đều đặn giúp người Trung Quốc qua mặt mức ngoại tệ chính thức, tương đương 50.000 USD được phép đưa ra nước ngoài. Một tổ chức phi lợi nhuận đóng tại Washington (Mỹ) xem Trung Quốc là nhà xuất khẩu tiền phi pháp hàng đầu thế giới.
“Tôi biết Trung Quốc là một bàn đạp thuận lợi để đẩy tiền đi. Chẳng có gì bí mật cả. Cả thế giới biết điều đó” - Chikli trả lời phỏng vấn hãng tin AP.
TRUNG NHÂN - NHẬT ANH
Cảm hứng cho phim ảnh
Người đàn ông suýt trộm thành công 70 triệu euro từ các doanh nghiệp và ngân hàng lớn của Pháp được mô tả là một kẻ “lừa đảo hàng loạt”. Chikli không xem việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một tội danh. Thay vào đó, hắn xem lừa đảo là một “lối sống”, theo AP. Những tình tiết thú vị xoay quanh Gilbert Chikli đã trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim về siêu lừa này: Je Compte sur Vous (Cảm ơn bạn đã gọi).
Không chỉ giả làm CEO của chính các doanh nghiệp là “con mồi béo bở” của mình, Gilbert Chikli thậm chí còn từng giả dạng làm điệp viên tình báo Pháp. Những nhà sản xuất của bộ phim ra mắt tháng 12-2015 vừa qua nhận định Chikli là một người đàn ông có quá nhiều “khuôn mặt”. Ở Chikli toát lên vẻ nguy hiểm nhưng lại đầy sức hút. Siêu lừa này thậm chí còn khoe khoang rằng vẫn chưa đến lúc để hắn “rửa tay gác kiếm”.
Vẫn nhởn nhơ tại Israel
Khi bị bắt vào năm 2006, Chikli đã bị tịch thu hộ chiếu và được lệnh không được rời khỏi Pháp để chờ tòa xét xử. Thế nhưng, hắn vẫn thuê thành công một chiếc chuyên cơ và cao chạy xa bay đến Israel. Đây có thể là “cú lừa” lớn nhất mà Chikli từng thực hiện được trong đời hắn đến nay, theo AP.
Chính quyền Israel từ chối xác nhận liệu Pháp đã đưa ra đề nghị chính thức, yêu cầu dẫn độ Chikli về nước để xét xử hay chưa. Phía Tel Aviv cũng từ chối làm rõ vì sao Chikli có thể sống nhởn nhơ và ung dung như thế “ngay trước mũi” họ.
Trong khi đó, phía cơ quan tư pháp của Paris cũng chưa phản hồi các yêu cầu làm rõ liệu Chikli có thuộc diện cần phải dẫn độ quốc tế hay không. Giữa hai nước không có cơ chế dẫn độ chính thức nhưng phía Tel Aviv đã từng đồng ý cho dẫn độ nghi phạm vài lần trong quá khứ. Israel trong những năm gần đây đang nổi lên như một thiên đường trốn chạy lý tưởng cho các tội phạm người Pháp gốc Do Thái, theo tờ The Israel Times.