Đài CNN vừa công bố những hình ảnh vệ tinh từ ImageSat International (ISI) thu được cho thấy Trung Quốc đã đưa ít nhất bốn chiến đấu cơ J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 Trung Quốc triển khai phi pháp máy bay chiến đấu đến khu vực này.
Hình ảnh được chụp hôm 21-6 cho thấy đây là lần đầu tiên máy bay J-10 được nhìn thấy trên đảo Phú Lâm hoặc bất kỳ hòn đảo nào mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.
Ảnh vệ tinh cho thấy máy bay J-10 trên đảo Phú Lâm. Ảnh: ISI.
Chiến đấu cơ J-10 xuất hiện trên đảo Phú Lâm chỉ hơn một năm sau khi Trung Quốc gửi máy bay ném bom tầm xa H-6K tới đảo để bay thử lần đầu tiên.
Động thái này diễn ra khi tình hình Biển Đông vẫn đang căng thẳng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Nhật Bản vào tuần tới.
Các nhà phân tích đã xem ảnh vệ tinh của CNN và cho biết việc để các máy bay ra ngoài kèm với các thiết bị cho thấy các máy bay chiến đấu đã ở trên đảo khoảng 10 ngày.
"Trung Quốc muốn thế giới chú ý đến họ. Nếu không, họ sẽ đậu máy bay trong nhà chứa", ông Peter Layton, cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia Úc và đồng nghiệp của ông tại Viện Griffith Châu Á, nói. "Họ đang muốn thể hiện thông điệp gì?"
Ông Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho biết việc triển khai chiến đấu cơ này để "chứng minh đó là lãnh thổ của Trung Quốc và họ có thể đặt máy bay quân sự ở đó bất cứ khi nào họ muốn".
"Nó cũng thể hiện rằng họ có thể mở rộng phạm vi sức mạnh trên không của họ trên Biển Đông theo mong muốn hoặc khi tình thế yêu cầu", ông Schuster nói thêm.
“Máy bay phản lực J-10 có tầm bắn chiến đấu khoảng 500 dặm (740 km), có thể bao quát phần lớn Biển Đông và những tuyến đường hàng hải quan trọng”, theo ông Schuster.
Máy bay chiến đấu J-10 trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: ISI.
Các nhà phân tích cho biết bốn máy bay này không mang bình nhiên liệu bên ngoài. Điều đó cho thấy máy bay sẽ được tiếp nhiên liệu trên đảo, vì vậy kế hoạch của Trung Quốc có thể là giữ máy bay ở đó một thời gian.
"Đây có thể là việc triển khai huấn luyện sớm như là một phần của việc đưa phi đội J-10 sẵn sàng hoạt động cho một tuyên bố vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc (ADIZ)", ông Layton nói. "Hoạt động này có thể trở nên thường xuyên trong thời gian tới".
Vào năm 2016, Trung Quốc tuyên bố bảo lưu quyền thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Bất kỳ máy bay nào bay qua vùng ADIZ đều phải thông báo trước cho Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đã thiết lập một ADIZ trên Biển Hoa Đông vào năm 2013, gây ra sự phản đối từ Nhật Bản và Mỹ.
Theo Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, nhiều năm qua Bắc Kinh đã nâng cấp đáng kể các cơ sở của hộ trên các đảo đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, triển khai tên lửa đất đối không, xây dựng 20 nhà chứa máy bay tại sân bay, nâng cấp hai bến cảng và thực hiện cải tạo đảo.