Bộ Công an Trung Quốc (TQ) vừa tuyên bố sẽ thẳng tay triệt phá những mô hình góp vốn phi pháp vì có nguy cơ gây ra bất ổn xã hội, theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
Quyết dẹp lừa đảo tài chính
Trước đó, vào ngày 24-7, tại Bắc Kinh đã diễn ra một cuộc biểu tình lớn với hàng ngàn người tham gia. Những người tham gia biểu tình là thành viên của Shanxinhui, một chương trình gây quỹ đầu tư mà chính quyền TQ cho là bất hợp pháp.
“Trong thời đại Internet hiện nay, loại hình tội phạm tài chính này đem lại những rủi ro rất lớn. Chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn các vấn đề tội phạm tài chính, không cho chúng phát sinh thành những rủi ro tài chính để đảm bảo sự ổn định xã hội” - ông Quách Thanh Côn, Bộ trưởng Bộ Công an TQ, cho biết. Phát biểu tại cuộc gặp với các cơ quan chức năng địa phương ngày 23-7, ông Côn cho biết các cơ quan thực thi pháp luật phải sử dụng công nghệ “dữ liệu lớn” (big data) để phát hiện và ngăn chặn loại hình tội phạm này càng sớm càng tốt.
Chính sách nới lỏng tiền tệ trong nhiều năm qua và hệ thống luật tài chính lỏng lẻo tại TQ đã dẫn đến tình trạng các chương trình đầu tư phi pháp nhanh chóng lan rộng trên mạng. Chúng thu hút hàng triệu nhà đầu tư góp vốn với hứa hẹn sẽ đem lại cho họ lợi nhuận cao. Gần đây nhất, Bộ Công an TQ đã bắt giữ lãnh đạo Công ty Shanxinhui ở Thâm Quyến. Được thành lập vào năm 2013, Công ty Shanxinhui tuyên bố hoạt động với mục đích từ thiện, cam kết “làm giàu không khó” và sẽ hoàn lại cho các “nhà hảo tâm” 10%-30% lợi nhuận chỉ trong vài tuần. Nếu một nhà đầu tư có thể thuyết phục một người nữa tham gia thì có thể nhận được 2%-6% số tiền “quyên tặng” của người mới đó. Theo SCMP, đây là một mô hình quyên góp quỹ đa cấp kiểu Ponzi. Theo hãng tin Tân Hoa xã, công ty này đã thu hút được hàng triệu thành viên và kiếm được một khoản tiền khổng lồ từ họ.
Các nhân vật chủ chốt trong vụ lừa đảo góp quỹ đa cấp Ezubao làm chấn động TQ (từ trái qua)Ding Ning, Zhang Min và trưởng bộ phận quản lý rủi ro tài chính Yong Lei. Ảnh: THX
Ông Quách Thanh Côn, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Cú lừa 7,5 tỉ USD
Chính quyền TQ quyết định mạnh tay dẹp các tổ chức tài chính lừa đảo hoặc rủi ro cao kể từ sau cú lừa chấn động mang tên Ezubao - trang cho vay tiền ngang hàng (P2P) qua mạng. Tổ chức này đã thu được hơn 7,4 tỉ USD từ hơn 900.000 nhà đầu tư chỉ trong vòng 18 tháng trước khi bị công an kinh tế TQ triệt phá hồi đầu năm 2016.
Bộ não đứng sau Ezubao là Ding Ning (34 tuổi), người từ tỉnh An Huy phía Đông TQ. Chủ tịch hội đồng quản trị của Ezubao không có chút kinh nghiệm gì về ngân hàng hay tài chính, chỉ từng phụ giúp gia đình bán trang thiết bị điện máy. Thế nhưng vào tháng 7-2014, người này đã lập ra trang mạng dịch vụ tài chính Ezubao với cam kết các nhà đầu tư sẽ nhận được mức lãi suất 9%-14,6% hằng năm, cao hơn tỉ lệ ngân hàng, hứa hẹn mỗi đồng đóng góp cho Ezubao đều sẽ có lời và thậm chí không đặt ra mức góp vốn tối thiểu.
Để chứng tỏ rằng quỹ của mình ăn nên làm ra, Ding Ning liên tục tổ chức các buổi gặp mặt cổ đông, diễn thuyết khích động nhà đầu tư, thậm chí còn trả lời phỏng vấn trên các cổng thông tin chính phủ và các kênh truyền hình nhà nước. Tên này cũng xây dựng vẻ ngoài “siêu giàu” để thuyết phục người đầu tư. Theo Tân Hoa xã, tất cả nhân viên đều buộc phải mang đồ hiệu và trang sức đắt tiền. Ding cũng cho một phụ nữ trẻ đẹp tên Zhang Min làm giám đốc điều hành, cho cô một căn villa tại Singapore trị giá gần 19,5 triệu USD, trang sức đắt tiền và tiền mặt. Ding Ning cũng bỏ ra gần 22 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo trên gần như mọi kênh truyền hình TQ, trong đó có cả CCTV. Tất cả để “xây dựng hình ảnh tích cực” cho công ty, theo Tân Hoa xã.
Các chuyên viên của Ezubao đã “sáng tạo” ra hơn 95% danh sách các dự án đầu tư trên trang mạng của tổ chức này. Vì đầu tư không sinh đủ lời, họ dùng tiền gửi của người mới để trả nợ của người cũ. Theo tạp chí tài chính Caixin của TQ, một số quỹ của Ezubao được dùng để mở một ngân hàng tại Myanmar.
Mô hình lừa đảo của Ezubao bắt đầu bị giám sát vào tháng 12-2015 sau khi công an kinh tế TQ xác nhận mô hình này quá nhiều rủi ro tài chính. Mạng lưới hơn 200 server máy tính và hàng trăm thành viên của Ding Ning gây khó khăn không nhỏ cho quá trình điều tra. Các lãnh đạo của Ezubao thậm chí còn lập mưu gom toàn bộ 1.200 sổ kế toán bỏ vào 80 túi nhựa đem chôn ở ngoại ô TP An Huy. Cảnh sát đã mất hơn 20 tiếng đồng hồ và đào sâu hơn 6 m mới thu thập được chứng cứ.
Tránh nguy cơ bất ổn
Ông Quách Thanh Côn cho biết những vụ án hình sự về kinh tế với số lượng lớn người tham gia đang tạo ra những rủi ro bất ổn xã hội rất lớn tại TQ. Ông cho biết trong những tháng tới cần phải đặt ra mục tiêu chính trong việc kiểm soát tài chính để đảm bảo ổn định xã hội. Trong tháng này, hội nghị công tác tài chính toàn quốc TQ cũng cảnh báo phải phòng ngừa những rủi ro tài chính. Bắc Kinh cũng đang tìm cách kiểm soát việc mở rộng các lĩnh vực tài chính và thắt chặt giám sát.
“Việc các chương trình đầu tư lừa đảo này lan rộng đã phản ánh thực tế rằng một lượng lớn vốn không phục vụ nền kinh tế thực nhưng lại theo đuổi lợi nhuận trong hệ thống tài chính. Điều này cho thấy nền kinh tế thực sự suy yếu và hệ thống tài chính đã bị thổi phồng quá mức” - ông Guan Qingyou, một nhà kinh tế học thuộc Công ty Minsheng Securities, cho biết.
Theo báo cáo của Cục Công tác tài chính Bắc Kinh ngày 21-7, hầu hết trang web cho vay ngang hàng qua mạng (P2P) chỉ có thể tồn tại trong năm nay vì chính phủ đang thắt chặt quản lý. “Tốc độ phát triển nhanh chóng của loại hình cho vay qua mạng trong những năm gần đây đã tạo ra vô số vấn đề. Các nhà đầu tư và điều hành P2P sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng để đảm bảo sự tăng trưởng lành mạnh của ngành P2P” - theo nội dung báo cáo.
Trong số 4.856 tổ chức cho vay trên toàn quốc, có khoảng 500 công ty P2P có khả năng sẽ chỉ duy trì hoạt động trong năm nay. Báo cáo này được thực hiện bởi Viện Tài chính Internet Nanhu, cơ quan an ninh mạng ở quận Phòng Sơn, Bắc Kinh cùng một hiệp hội các công ty P2P. Các cơ quan tài chính địa phương cũng lo ngại rằng trong những tháng tới số tiền gửi vào sẽ giảm vì ngày càng có nhiều tổ chức P2P dự kiến sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa.
Chính quyền TQ cũng tiến hành kiểm tra các tổ chức P2P sau khi các yêu cầu quy định chặt chẽ hơn được đưa ra vào cuối năm 2016, như chỉ định ngân hàng giám sát và phải kê khai đầy đủ việc sử dụng số tiền được gửi vào. Những tổ chức không vượt qua được cuộc kiểm tra này sẽ bị buộc phải đóng cửa.
Richard Zhu, một kỹ sư IT tại công ty tài chính Zillion Fortune, cho biết: “Quy định được thắt chặt cũng khiến người gửi tiền lo lắng và nhanh chóng rút tiền về. Động thái này càng khiến tình hình ngành công nghiệp P2P bi quan hơn và có thể dẫn đến nhiều vụ bê bối hơn nữa trong nửa đầu năm nay”.
Về mặt lý thuyết, P2P là mô hình cung cấp thông tin kết nối người vay tiền và người cho vay phù hợp. Tuy nhiên, hàng ngàn công ty P2P tại TQ lại hoạt động theo kiểu thu tiền mặt từ khoản tiền gửi vào của các nhà đầu tư, rồi sau đó cho các doanh nghiệp như các nhà phát triển bất động sản mượn lại. Các trường hợp kinh doanh thất bại và gian lận ngày càng nhiều đã thúc đẩy các nhà quản lý đẩy mạnh giám sát hàng ngàn tổ chức cho vay trực tuyến này. P2P bắt đầu phát triển ở TQ từ năm 2011 khi nhà lãnh đạo TQ khuyến khích sử dụng rộng rãi các công nghệ tài chính để mở rộng dịch vụ tài chính với các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân. Trang Wdzj.com, nhà cung cấp dữ liệu trực tuyến theo dõi ngành công nghiệp P2P ở TQ, cho biết năm 2016 khoản tín dụng trên các trang P2P toàn quốc lên tới hơn 800 tỉ nhân dân tệ (hơn 118 tỉ USD). |