Trừng trị những ai cơ hội 'giấu mình bằng vỏ bọc trong sạch'

Ngày 19-8, Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Suy nghĩ về một số vấn đề kinh tế-xã hội Việt Nam hiện tại” hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM,  phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cho rằng sau hơn 30 năm đổi mới đất nước đã phát triển khá xa so với thời kỳ trước, từ “xé rào”, “bung ra sản xuất” cho phép phát triển nhiều thành phần kinh tế sau đổi mới để khắc phục đói nghèo, nay cả nước đang ráo riết chuẩn bị tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, ông cho rằng do quy mô nền kinh tế nhỏ bé, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thời kỳ sau đổi mới đến nay cũng kém hơn các nước trong khu vực và các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... nên nước ta vẫn còn tụt hậu xa hơn so với thế giới.

Ông Trực đã lấy số liệu về tốc độ tăng GDP đầu người qua các thời kỳ của các nước trong khu vực và Trung Quốc, Hàn Quốc để chứng minh điều ông nói. Nếu từ năm 1980 đến 2010, GDP đầu người của Trung Quốc có tỉ lệ tăng trưởng là hơn 14 lần, Hàn Quốc hơn 12 lần, Singapore hơn chín lần, Thái Lan hơn 6,8 lần... thì Việt Nam tỉ lệ tăng trưởng GDP đầu người chỉ đạt 2,52 lần.

“Nói cách khác muốn tăng GDP đầu người lên gấp hai lần, Trung Quốc và Hàn Quốc cần hơn bốn năm, Singapore cần hơn 6,5 năm, Thái Lan cần hơn tám năm... thì Việt Nam cần hơn 23 năm” - ông Trực nói.

Từ đó, ông Trực cho rằng tình trạng phát triển chậm như hiện nay sẽ dẫn đến đất nước lâm vào bẫy thu nhập trung bình và sẽ khó trở thành nước công nghiệp phát triển trong khoảng 50 năm tới.

Nhìn ở góc độ khác, ông Phạm Chánh Trực cũng cho rằng việc thực hiện ba đột phá theo nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng là chưa đạt yêu cầu, chưa thể hiện tính chất bùng nổ, thậm chí còn bất cập, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ và vượt trội để thúc đẩy kinh tế và xã hội. Ba đột phá đó là về nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thể chế kinh tế thị trường.

Theo ông Trực, nhân lực phần lớn còn ở trình độ lao động tay nghề trung bình và giản đơn, lao động chưa được tổ chức tốt, trình độ cao ít về số lượng và chưa đủ nhân lực chuyên nghiệp ngành nghề để sẵn sàng hướng tới cuộc cách mạng 4.0. Còn về hạ tầng kỹ thuật, đường sắt là hệ thống giao thông vận tải kém nhất, hạ tầng về thông tin - viễn thông chưa đảm bảo làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Về thể chế thị trường, ông Trực thẳng thắn nói thị trường đất đai đang bị méo mó. Chính sách đất đai và việc quản lý còn nhiều sơ sót làm cho sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng gay gắt. Một bộ phận người dân không có nhà để ở trong khi nhiều người khác sở hữu nhiều nhà, hàng nghìn ha đất. Còn về thị trường công nghệ chưa phát triển rộng rãi, thị trường tài chính tiền tệ khó tiếp cận và bị nhiều nhóm lợi ích chi phối...

“Ba đột phá không được như kỳ vọng dẫn tới tốc độ phát triển chưa cao. Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không đạt yêu cầu. Nước ta chưa trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu đến năm 2020” - ông Trực nói.

Từ đó, theo ông Trực, Đảng ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo ra bước ngoặt phát triển kinh tế-xã hội và tạo thế tạo đà tiến vào thời đại mới. 

Muốn thế, ông Trực cho rằng cần phải quy hoạch không gian vùng kinh tế, khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, liên kết vùng như TP.HCM với vùng Nam bộ, Tây Nguyên và miền Trung. Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược như nêu ở trên.

TS Trương Thị Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng tư duy lãnh đạo phải đổi mới nhanh và quyết liệt theo hướng tiến bộ và hiện đại. “Không thể duy trì mãi lối suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu, đề cao chủ nghĩa cá nhân, thu vén cho quyền lực và quyền lợi bản thân, phe nhóm” - bà Sâm nói.

Theo bà Sâm, đổi mới tư duy lãnh đạo, đón nhận làn sóng công nghiệp hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhất định sẽ đưa đất nước tới đích “hùng cường, bền vững”.

Cần mạnh tay "trị" cán bộ tham nhũng

Một trong những nguyên nhân cần phải có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới để đưa đất nước phát triển, ông Phạm Chánh Trực cho rằng đó là còn một bộ phận cán bộ thiếu rèn luyện về đạo đức, chưa xứng tầm về bản lĩnh và nghị lực, ý chí, tinh thần trách nhiệm, xả thân cống hiến cho đất nước và phục vụ nhân dân. Tình trạng tham nhũng, nhóm lợi ích lũng loạn nhà nước đã đến mức báo động, cần phải chỉnh đốn Đảng mạnh mẽ trên quy mô toàn quốc.

Cũng ở góc nhìn về công tác cán bộ, GS Trần Đình Bút, nguyên là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Đảng cần mạnh tay trị những cá nhân lợi dụng thời cơ, giấu mình bằng vỏ bọc trong sạch nhưng luôn lợi dụng vị thế của mình để leo cao hơn và tham nhũng mạnh hơn.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ án kinh tế lớn, nhiều vụ việc chính trị xảy ra vẫn được coi là đúng quy trình nhưng thực tế là vi phạm pháp luật có nguyên nhân xuất phát từ lối sống, thói quen “ăn sâu, bám rễ” trong tư duy của người Việt.

Theo ông Sơn, một trong những hành vi đáng nói nhất chính là lối sống, thói quen “xin-cho”. “Như chúng ta đã có luật đấu thầu nhưng chỉ cần tờ trình (thực chất là “xin”) và cấp trên đồng ý (thực chất là “cho”) là chuyển sang chỉ định thầu” - ông Sơn nói.

Hay như trong công tác cán bộ, ông Sơn nói: Thực tế cho thấy bổ nhiệm cán bộ này là sai quy định nhưng vì một lý do nào đó xin ý kiến cấp trên và được sự đồng ý thì bổ nhiệm vẫn đúng quy trình. Tình trạng con ông cháu cha dù không có năng lực trình độ nhưng vẫn được “sắp đặt” là do tư duy, thói quen “một người làm quan cả họ được nhờ” gây bức xúc trong dư luận lâu nay không được xử lý triệt để. Từ đó, ông cho rằng cần phải chấn chỉnh những tình trạng nói trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm