Ngày 12-5, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị Báo cáo viên Trung ương thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo hình thức trực tuyến.
Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn đã thông tin một số kết quả của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII (diễn ra từ ngày 4 đến 10-5-2022).
Theo ông Môn, một trong những kết quả của Hội nghị Trung ương 5 là đã đã tập trung thảo luận Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất đánh giá, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Một số nội dung của Nghị quyết chưa được thể chế hoá hoặc thể chế hoá chưa đầy đủ; Luật Đất đai và một số luật có liên quan còn có sự chồng chéo, chưa thống nhất. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, hệ thống và đồng bộ. Công tác giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm…
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất; nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai có nơi, có lúc chưa đúng, chưa đầy đủ.
Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai còn chậm, chưa đầy đủ, chưa nghiêm, còn có sai phạm. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, dứt điểm và chưa đúng pháp luật.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất 5 quan điểm về đất đai và đặt mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đất đai sẽ được huy động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; được quản lý với hiệu lực, hiệu quả cao; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả. Nguồn lực đất đai được vốn hoá, khai thác, phát huy cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Cụ thể đến năm 2025 mục tiêu là ưu tiên thời gian, nguồn lực để sớm hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 vào năm 2023 và một số luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
Hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; có sự phân cấp phù hợp, hiệu quả kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp tập trung đông người đã di dời ra khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất tôn giáo; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khắc phục cơ bản tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá, ô nhiễm, suy thoái.
Bí thư tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh
Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cũng thông tin, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cơ cấu tổ chức sẽ do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Cơ quan này có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện…
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ do Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ làm Trưởng ban; làm việc theo chương trình hàng năm, họp thường kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất khi cần; khi cần thiết, tổ chức hội nghị của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc hội nghị chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ.
Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp thường kỳ 3 tháng một lần, họp đột xuất khi cần.