Trường Á Châu trả hồ sơ học sinh: Vi phạm hợp đồng

Chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Trường Quốc tế Á Châu (TP.HCM) và một số phụ huynh vừa xảy ra là điều lấy làm đáng tiếc trong môi trường giáo dục.

Không có căn cứ pháp lý để từ chối học sinh

Nếu xem giáo dục như một dịch vụ thì ở đây hai bên (phụ huynh và nhà trường) đã thiết lập một hợp đồng (HĐ) cung ứng dịch vụ và đương nhiên trong quá trình thực hiện HĐ, nếu có những khác biệt thì các bên có quyền thương lượng, hòa giải.

Tuy nhiên, một bên trong HĐ chỉ có quyền đơn phương chấm dứt HĐ nếu có các căn cứ pháp lý. Cụ thể, đó là: Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên thỏa thuận là căn cứ chấm dứt HĐ, trong trường hợp không có thỏa thuận thì phải có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của HĐ (Điều 428 BLDS 2015).

Sự việc ở trường á châu đang được nhiều người quan tâm theo dõi.

Rõ ràng ở đây, phía phụ huynh chưa có hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng học phí như đã thỏa thuận. Do đó, hành vi đơn phương chấm dứt HĐ cung ứng dịch vụ bằng cách không tiếp tục tiếp nhận học sinh (HS) theo học là hành vi không có căn cứ pháp lý, vi phạm HĐ.

Chưa kể, giáo dục là một dịch vụ đặc biệt với mục tiêu “… phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân…” (Điều 2 Luật Giáo dục năm 2019). Do đó, ngay cả trường hợp phụ huynh có vi phạm nghĩa vụ đóng học phí thì nhà trường - với tư cách là bên cung ứng dịch vụ giáo dục - cũng nên có những phương án xử lý hợp tình, hợp lý hơn, thay vì trả hồ sơ HS và từ chối tiếp nhận học phí.

Hành xử không phù hợp môi trường giáo dục

Vì vậy, đối với cách hành xử nêu trên của Trường Á Châu, theo quan điểm cá nhân của tôi là hành vi không phù hợp với môi trường giáo dục.

Bởi lẽ dù chuyện gì xảy ra cũng nên đặt quyền lợi của HS, của trẻ lên hàng đầu. Một đứa trẻ đi học, ngoài kiến thức còn có rất nhiều mối quan hệ như trường lớp, thầy cô, bạn bè… Việc đột ngột thay đổi trường lớp là chuyện chẳng đặng đừng bởi nó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý HS, chưa kể việc đổi trường, đổi lớp trong trường hợp này lại không vui vẻ, chủ động gì.

Cần nói thêm rằng, cho con theo học tại trường tư thục được thực hiện dựa trên cơ sở là HĐ cung ứng dịch vụ. Trong quá trình thực hiện HĐ, các bên có quyền đề xuất sửa đổi, bổ sung HĐ. Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận thì các bên sẽ tiếp tục thực hiện HĐ như đã thiết lập ban đầu.

Do đó, việc kiến nghị về mức học phí của phụ huynh không được sự chấp thuận từ phía nhà trường thì phụ huynh vẫn có quyền tiếp tục cho con theo học tại trường với mức học phí đã được thỏa thuận trước đó, cũng như nguyên tắc, lộ trình tăng học phí đã được các bên ghi nhận tại thời điểm đăng ký cho con theo học.

Nói cách khác, trường hợp này nhà trường không có căn cứ để đơn phương chấm dứt HĐ cung ứng dịch vụ bằng thư thông báo không nhận học phí năm học mới và trả hồ sơ HS như thế. Lý do là ở đây, từ phía phụ huynh và HS không có bất kỳ hành vi nào vi phạm HĐ hay nội quy của nhà trường.

Nói tóm lại, hành vi gửi thư thông báo không nhận học phí năm học mới và trả hồ sơ HS của Trường Á Châu có thể xem là hành vi vi phạm HĐ, vi phạm nguyên tắc, mục tiêu của giáo dục.

(*) TS Bùi Thị Hằng Nga hiện đang công tác tại Khoa luật kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM.

TP.HCM đề nghị trường tư không tăng học phí

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, vào tháng 5, hơn 1.000 phụ huynh ký tên vào đơn kiến nghị Trường Quốc tế Á Châu về việc chưa tăng học phí khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của họ. Trường này đã mời một số phụ huynh gặp mặt hai lần để trao đổi nhưng hai bên không thống nhất. Sau đó, bất ngờ ba phụ huynh nhận được thư của trường thông báo sẽ không nhận học phí và sẽ trả hồ sơ của con em họ (sáu em HS).

Các phụ huynh này đã gửi đơn phản ánh sự việc đến Thanh tra Sở GD&ĐT TP.HCM.

Trong một diễn biến khác, ngày 11-6, Sở GD&ĐT TP.HCM có văn bản gửi các trường ngoài công lập yêu cầu thực hiện ổn định mức thu học phí và các khoản thu khác năm học 2021-2022.

Theo sở, trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống và thu nhập của phần lớn người dân, nhằm ổn định và chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, HS, Sở GD&ĐT đề nghị các đơn vị ngoài công lập cân nhắc tình hình và cố gắng giữ nguyên mức học phí, các khoản thu khác trong năm học 2021-2022 ổn định, không tăng so với năm học 2020-2021.

Ngoài ra, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ học, chuyển trường do không đủ điều kiện đóng học phí, sở cũng lưu ý các đơn vị cần huy động các nguồn lực dự phòng, tài trợ, vận động nếu có để hỗ trợ học phí cho HS mà gia đình gặp khó khăn kinh tế trong thời gian vừa qua để ổn định việc học tập và sinh hoạt của HS.

“Đây là lúc cần thiết cần có sự đồng hành, chia sẻ của các đơn vị giáo dục ngoài công lập đối với các phụ huynh HS gặp khó khăn trong điều kiện dịch bệnh đang diễn ra chưa có tiền lệ trong thời gian qua. Không để phát sinh tranh chấp, khiếu nại làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục” - văn bản của Sở GD&ĐT nêu rõ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm