Trường hợp nhận tiền đáng suy ngẫm của cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản

(PLO)- Tự bào chữa, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam nhận sai và nghẹn ngào trần tình về bối cảnh phạm tội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 18-7, trong phiên xử vụ chuyến bay giải cứu, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam tự bào chữa cho bản thân, hoàn toàn nhận sai, chỉ xin trần tình về bối cảnh phạm tội trong tiếng nghẹn ngào.

Không thể làm khác

Bị cáo Vũ Hồng Nam bị xét xử về tội nhận hối lộ. Theo cáo buộc, bị cáo nhận 1,8 tỉ đồng của bị cáo Lê Văn Nghĩa, Công ty Nhật Minh để giúp Nghĩa tổ chức thành công sáu chuyến bay đưa công dân về nước cách ly tại Khánh Hòa, Thái Nguyên.

cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam. Ảnh: CTV

Bào chữa cho bản thân, bị cáo Nam cho rằng ''VKS đã áp dụng hài hòa các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị cáo, bị cáo được hưởng sự rộng lượng khoan hồng, sự nhân đạo nhân văn của các cơ quan tố tụng với những người phạm tội biết ăn năn hối cải. Bị cáo xin phép không bào chữa với tội nhận tiền… (ông Nam bật khóc và ngừng lời)…''.

Sau đó, ông Nam tiếp tục trình bày hoàn cảnh phạm tội trong tiếng nghẹn ngào. ''Ngay từ khi về nước tôi đã nhận sai và đã trình bày với CQĐT. Đến bây giờ tôi nhận thức rất rõ, làm việc công chức mà nhận tiền là sai về góc độ pháp luật, sai cả về Đảng, đạo đức công vụ. Tôi hoàn toàn nhận lỗi, tôi không bào chữa cho việc nhận tiền hoàn toàn sai trái của bản thân.

Tôi chỉ muốn nói một điều chia sẻ thêm, tình hình công dân ở Nhật Bản khi đó rất khó khăn…(ông Nam nói đứt quãng vì khóc) bất kỳ người nào ở vai trò đại diện Nhà nước cũng làm như tôi… với hoàn cảnh khó khăn đó cũng làm như tôi.

Khi dịch xảy ra, trong hai năm khốn khó bảo vệ công dân chống dịch… một năm trời giải trình.. sau đó về đối mặt với CQĐT.

Nhiều người trách tôi sao không ngồi yên, tại sao lại sáng kiến, sao phải xin thêm chuyến bay làm gì, làm chuyến bay của nhà nước thôi thì chắc chắn không xảy ra chuyện''.

Nhưng theo bị cáo, bây giờ nhìn lại, nếu không làm thì hàng nghìn người rơi vào hoàn cảnh khốn khó, dịch bệnh căng, công dân không có bảo hiểm, mất việc, không có tiền, không có nhà ở.

Lúc đó là năm 2020, Chính phủ tổ chức các chuyến bay miễn phí đưa công dân về nước, cách ly trong các cơ sở quân đội. Đến năm 2021, chuyến bay miễn phí không tăng, bị cáo hứa với công dân chờ đợi. Họ cứ chờ đợi, chờ đợi..

Chị em phụ nữ thai kỳ không về được, hơn nữa là phụ nữ rồi mà có người mang thai tháng thứ 8 mới được về, tháng thứ 7 chưa về được vẫn phải chờ vì rất đông. Trong tình hình như thế, bị cáo điện về rất nhiều nhưng không xin các chuyến bay.

Trước đó mỗi ngày 25 chuyến bay về Việt Nam, 25 chuyến bay sang Nhật. Bây giờ dừng đột ngột, số người mắc kẹt chờ đợi ngày càng tăng, sự kiên nhẫn giảm đi, bực tức tăng lên, tiền cạn đi, những sự đối nghịch như thế tạo ra nguy hiểm cho cộng đồng Việt Nam khi mùa đông đến gần và dịch ở Nhật Bản tăng. Thực tế nhiều người chết ở Nhật Bản.

Trong tình hình căng như thế, nước bạn gây sức ép. Bởi vì công dân bất hợp pháp không có tiền, nhà ở, họ sáng kiến xin vào trại tạm giam để có chỗ ăn, chỗ ở và làm các trại tạm giam quá tải.

Nước bạn gặp chúng tôi nói không còn chỗ, các trại không còn tiền, ''mong ông đưa công dân về''.

''Tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép đưa số công dân đó về. Nhưng tôi không thể để lại những người bị bệnh viện từ bỏ, những người phụ nữ sắp đến ngày sinh để đưa những người phạm tội lên những chuyến bay đó được"- ông Nam nói.

Trong khi đó, công dân biểu tình nói chúng tôi là công dân Việt Nam vì sao chúng tôi không được về nước, đại diện lãnh đạo nói không bỏ rơi chúng tôi nhưng 7-8 tháng chưa được về.

"ĐSQ chỉ có thể hứa chờ đi nhưng họ không thể chờ được nữa''- cựu Đại sứ nói trước Tòa.

Cuối tháng 10-2021, bị cáo Nam phải xin các chuyến bay (các chuyến bay do công dân tự chi trả chi phí vé máy bay, cách ly… -PV) với mục đích đưa công dân về làm sao hài hòa các công dân có khả năng đi về trên các chuyến bay tự trả phí. Có 26.000 người đã đăng ký để được về và họ tự trả phí.

Theo bị cáo Nam, khi hết chống dịch thì bị cáo thấy việc xin các chuyến bay trả phí là rất kịp thời vì hết năm 2021, các chuyến bay miễn phí cũng không tăng được bao nhiêu, mỗi tháng chỉ 1-2 chuyến, chỉ đưa được những người bị bệnh, những người đủ tiêu chuẩn về nước.

Ông Nam nói rằng: ''Đó là lý do tôi thấy rằng việc tôi thực hiện mang lại lợi ích của công dân mặc dù tôi có sai phạm dẫn đến hoàn cảnh hôm nay. Tôi đã làm đúng từ trách nhiệm của người đại diện Nhà nước'' -

''Tôi nhận lỗi, tôi sai, tôi không ngụy biện cho tội lỗi của tôi. Tôi xin cảm ơn HĐXX'' - bị cáo Nam nói.

Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: CTV

Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: CTV

Sát Tết, DN đến tặng quà, không hề đòi hỏi chi tiền

Luật sư Trần Nam Long bào chữa cho bị cáo, đồng ý với phần mô tả hành vi và tội danh như cáo trạng nêu. Tuy nhiên, luật sư đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh phạm tội của bị cáo.

Khi tổ chức chuyến bay, bị cáo Nam không hề đòi hỏi, thỏa thuận lợi ích vật chất. Sau khi chuyến bay được cấp phép 3 tháng, sát vào dịp Tết, bị cáo Lê Văn Nghĩa, Công ty Minh Nhật đã liên tục gọi điện hẹn gặp bị cáo Nam và khi gặp thì đưa túi quà. Sau khi bị cáo Nghĩa về, ông Nam mới biết có tiền.

Trong số 57 chuyến bay miễn phí và 16 chuyến bay công dân tự trả phí ĐSQ có tham gia, ngoài sáu chuyến bay được cấp phép cho Công ty của bị cáo Nghĩa, đều không xảy ra tiêu cực.

Giai đoạn 2020-2021, có 86.000 người đăng ký về nước. Nhưng trong hai năm, Nhật Bản chỉ được phân bổ 57 chuyến bay miễn phí, giải cứu được 15.000 người.

Vì thế bị cáo mới phải tổ chức chuyến bay. ''Hành vi vụ lợi không phải là mục đích chính để bị cáo Nam tổ chức các chuyến bay mà vì trách nhiệm cán bộ, giải tỏa sức ép chính trị ngoại giao''- luật sư nhấn mạnh.

Luật sư cũng cho biết thêm các chuyến bay này có giá rất thấp so với các chuyến bay khác, chỉ khoảng 28-30 triệu đồng/người.

Bị cáo đã khắc phục hoàn toàn hậu quả vụ án trước khi bị khởi tố bị can, bắt tạm giam. Bị cáo cũng có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các tổ chức hội đoàn người Việt ở Nhật và hàng trăm người khác…

Từ những đó, luật sư Long đề nghị HĐXX có chính sách phân hóa với các bị cáo không sách nhiễu, gây khó khăn cho DN và xin xem xét cân nhắc giảm nhẹ hơn nữa cho bị cáo Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm