Năm nay nhiều trường trong cả nước còn thu đậm hơn năm trước, như có trường ở Đồng Tháp, Hải Phòng đề nghị thu khủng hơn chục triệu đồng/học sinh. Nhưng ông hiệu trưởng trường tiểu học ở Đồng Tháp bị tố dự kiến thu hơn 16 triệu đồng đã trả lời báo chí tỉnh queo rằng: “Trường không chủ trương, do phụ huynh bột phát”. Lạ thật, họ “tự nguyện” đóng góp mua sắm tivi, quạt máy mang vào trường mà ông hiệu trưởng bảo rằng không biết! Vậy là hội cha mẹ học sinh đã “qua mặt” ban giám hiệu lén lút mua sắm?!
Điệp khúc lạm thu tiền trường
Sáng Chủ nhật vừa ra tới quán cà phê tôi đã nghe có người lớn tiếng về chuyện lạm thu tiền trường. Tiếng cô chủ quán vừa chế cà phê vừa nói oang oang với một ông khách: “Thằng con tui mới vào lớp 1 mà đóng tiền đầu năm tới gần 5 triệu đồng, ná thở luôn. Mấy ổng nêu lý do là trường chật, học sinh đông, phải đầu tư xây dựng thêm và đủ thứ chi tiêu gì nữa... Tôi không hiểu sao trường công lập, do Nhà nước lấy tiền thuế của dân làm, rồi lương giáo viên này nọ đều là tiền thuế dân đóng cả mà còn bắt đóng đủ thứ vậy?”. Cô thấy ông thầy giáo hưu trí vừa bước vô quán bèn... “chuyền banh” cho ông!
Ông thầy giáo nhà trong ngõ, nguyên là hiệu trưởng một trường THCS, về hưu non do mất sức gần mười năm nay. Ông phân trần với cô chủ quán: “Thời tôi làm hiệu trưởng hăm mấy năm trước, trường cũng có thu nhưng chỉ thu những khoản rất thiết yếu mà bấy giờ ngân sách nhà nước eo hẹp không đủ đáp ứng chứ không thu tràn lan như bây giờ”. Rồi ông cố vớt vát cho các đồng nghiệp: “Nói vậy nhưng hiện nay ở TP mình, tôi biết nhiều trường vẫn cố gắng chỉ thu những khoản cần thiết tối thiểu thôi”.
Bà Hai Bê, Chủ tịch hội người cao tuổi phường, đi chợ về ghé quán uống ly trà đá, nói với ông thầy giáo mà như trả lời cô chủ quán: “Thời tôi đi học những năm sáu mươi, bảy mươi, trường học và bệnh viện phân biệt rõ ràng công tư. Chỉ học sinh học trường tư mới phải đóng học phí hằng tháng, giá học phí tùy mỗi trường. Còn học sinh trường công lập mỗi năm chỉ đóng niên liễm, tôi nhớ số tiền không nhiều. Bây giờ trường công lập mà thu học phí thì thật kỳ lạ”.
Năm học nào cũng ồn ào chuyện lạm thu nhưng đâu lại vào đó.
Cha mẹ nghèo méo mặt
Đi tập thể dục về tới chân cầu thang, gặp chị tổ trưởng tổ vệ sinh chung cư đã nghe chị than thở: “Anh biết không, hôm rồi đầu năm học tôi đi họp cho hai đứa con, về tới nhà muốn xỉu luôn”. Tưởng chị bị bệnh gì, tính hỏi chị đã nói: “Tôi “chạy sô” họp từ trường này qua trường kia cho hai đứa nhỏ, rồi ôm hai cuốn sổ đóng tiền về, ông nhà tôi đọc xong mặt mày méo xẹo, vì gom cả nhà cũng không đủ đóng. Ổng bảo có lẽ phải bán xe thôi. Chiếc Wave ổng mới mua hồi Tết, tiền dành dụm mấy năm trời. Anh coi có ai cần giới thiệu tôi bán cho được giá một chút, chứ đem ra tiệm họ thu mua rẻ lắm”.
Đúng lúc cậu cầu thủ bóng đá ở tầng năm mà tôi chưa biết tên vừa đi tập về nghe chuyện, nói: “Thiếu bao nhiêu cháu cho cô mượn đóng cho mấy em. Nói chú đừng bán xe, nó là cái chân chạy kiếm cơm, bán rồi lấy chi ổng đi làm ăn. Cháu vừa lãnh lương và thưởng CLB thăng hạng được hơn 5 triệu đồng chưa xài tới. Chờ cháu lên phòng lấy đưa cô, khi nào có trả cháu”. Chị tổ trưởng vệ sinh mắt sáng lên, cám ơn cậu cầu thủ rối rít, chỉ xin mượn 3 triệu đồng thôi. Tôi cũng vui lây vì tình nghĩa xóm giềng trong lúc khó khăn.
Còn vợ chồng ông Ba (hộ kế bên) cũng đang ngồi trên lửa vì hạn chót đóng tiền cho hai đứa con sắp hết mà cả vợ chồng chưa có cách gì xoay xở đủ. Đứa con gái lớn học lớp 11, thằng em học lớp 9. Mặc dù trường THCS của thằng em và cả trường THPT của con chị đều ở vùng ven thuộc loại thấp cấp nên tiền trường cả hai đứa cũng thuộc loại thấp so với mặt bằng chung của TP nhưng cũng phải đóng gần 5 triệu đồng. Ông Ba nói: “Vợ chồng tôi mới gom góp được 3 triệu đồng, mai là hạn chót rồi, anh cho tôi mượn 2 triệu đồng đóng cho sấp nhỏ, cuối tháng tôi gửi lại”. Mặc dù không dư giả gì nhưng tôi cũng khó từ chối ông bạn hàng xóm.