Ngày 20-10, tin từ VKSND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ra cáo trạng truy tố ông Nguyễn Hữu Hùng, chấp hành viên, phó trưởng phòng Nghiệp vụ Cục THADS tỉnh Lâm Đồng, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS.
Trước đó, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) vừa có văn bản đề nghị VKSND tỉnh Lâm Đồng truy tố.
Theo Vụ 6, do vụ án có yếu tố nước ngoài nên sẽ do TAND cấp tỉnh xét xử. Vì vậy VKSND Tối cao hướng dẫn lại thẩm quyền truy tố đối với vụ án trên thuộc về VKSND tỉnh Lâm Đồng truy tố chứ không phải thẩm quyền của VKSND TP Bảo Lộc.
Ông Trần Ngọc Trường đến VKSND tỉnh Lâm Đồng trình bày các tố cáo.
Theo cáo trạng, Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri, trụ sở tại TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Công ty Kimono Daigaku (do ông Masui làm tổng giám đốc, trụ sở tại Nhật Bản) góp vốn thành lập Công ty Liên doanh Dệt tằm tơ Bảo Lộc - Visintex. Hai đơn vị cam kết chia lợi nhuận là Viseri 46%, Kimono 54%.
Quá trình kinh doanh, Công ty Kimono nợ tiền Visintex nên doanh nghiệp này kiện ra tòa. Bản án Tòa Phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên Công ty Kimono trả Visintex nợ gốc hơn 10,6 tỉ đồng và gần 15.000 USD tiền lãi.
Cuối tháng 5-2011, Cục THADS tỉnh Lâm Đồng ra quyết định THA theo yêu cầu của Visintex và giao cho chấp hành viên Nguyễn Hữu Hùng tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức THA, ông Hùng đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định trong Luật THADS. Cụ thể, ông Hùng không xác minh điều kiện THA đầy đủ mà chỉ xác minh sơ sài theo sự hướng dẫn của phía được THA (Công ty Visintex), không thông báo đầy đủ về thủ tục, nội dung THA cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, không thực hiện đầy đủ quy trình kê biên tài sản…
Các sai phạm này dẫn đến việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản chung của hai công ty Kimono và Viseri không đúng theo quy định, thấp hơn thực tế. Từ đó, Kimono và Viseri bị thiệt hại hơn 1,9 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác định ông Hùng còn gây ra hậu quả nghiêm trọng phi vật chất cho hai công ty trên không thể chuyển đổi mô hình hoạt động cho Công ty Visintex để sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt Công ty Viseri bị mất quyền được ưu tiên thuê đất (thửa đất do Công ty Visintex đang sử dụng), mất đi nguồn lao động có chất lượng, bạn hàng, thương hiệu, gây khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng uy tín tới hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam…
Liên quan đến vụ án trên, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cũng kiến nghị VKSND tỉnh Lâm Đồng xử lý kiểm sát viên Nguyễn Anh Tuấn theo quy định. Lý do, ông Tuấn được phân công kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong cưỡng chế, kê biên tài sản. Tuy nhiên, ông Tuấn không phát hiện được các sai phạm của chấp hành viên Hùng để yêu cầu kiến nghị hoặc kháng nghị.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cũng chuyển Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng điều tra giải quyết theo thẩm quyền đối với ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc, người đại diện pháp luật của Visintex.
Với các hành vi của ông Dũng như tự ý bán 16 hạng mục trong tài sản đang bị kê biên (được định giá là 0 đồng) và việc điều tra các hành vi vi phạm pháp luật khác của ông Dũng (theo tố cáo của luật sư Trần Ngọc Trường - đại diện Công ty Kimono, ông ĐTT và các cá nhân, tổ chức khác) sẽ được Công an tỉnh Lâm Đồng điều tra, xử lý sau.
Trong một diễn biến khác, cáo trạng của VKSND tỉnh Lâm Đồng đã không đề cập đến các đề nghị của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao về việc xử lý trách nhiệm của kiểm sát viên Tuấn và trách nhiệm của ông Dũng, giám đốc Visintex.
Liên quan đến vụ án trên, lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy về các tố cáo của luật sư Trần Ngọc Trường về vi phạm của giám đốc Dũng.
Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy, các tố cáo này đang được cơ quan tố tụng làm rõ. Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng yêu cầu xử lý trách nhiệm sai phạm các cá nhân liên quan.