Truyền thuyết, huyền sử và chính sử

Đó là truyền thuyết Lạc Long Quân gốc rồng lấy Âu Cơ gốc tiên, sau Âu Cơ đẻ một bọc có trăm trứng, nở trăm con (nên người Việt mới có từ “đồng bào” - tức chung một bào thai và tự nhận mình là con cháu rồng tiên); hoặc truyền thuyết vào đời Hùng Vương thứ 6, cậu bé ba tuổi ở làng Phù Đổng cưỡi ngựa sắt phá giặc Ân xong bay về trời, nhân dân tôn là Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng…

Thế nhưng truyền thuyết chỉ là huyền sử nên việc đưa huyền sử vào chính sử Đại Việt Sử ký Toàn thư (ĐVSKTT) của sử thần Ngô Sĩ Liên là việc gây nhiều băn khoăn và nghi ngờ của người đọc sử nhiều thế hệ. Theo ĐVSKTT thì tính từ tổ tộc Việt Kinh Dương Vương qua Lạc Long Quân đến hết thời Hùng Vương 18, tức 20 vị sống và trị vì từ năm 2879 đến năm 258 TCN (năm nước Văn Lang bị An Dương Vương Thục Phán thôn tính - tức kéo dài đến 2622 năm). Tuy nhiên ở cuối bộ sử, Ngô Sĩ Liên cũng “thòng” một câu: “Hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi”! Vậy mà đến bây giờ nhiều người vẫn tin tưởng một cách mù quáng vào huyền sử. Thậm chí còn khẳng định niên đại các vua Hùng. Như tại Công viên Đồng Xanh ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, người ta dựng tượng đài các vua Hùng với bia đá dưới chân tượng ghi tuổi thọ, số vợ con, cháu chắt của các vị rất cụ thể. Hầu hết các vị đều sống mấy trăm năm, trị vì một vài trăm năm, như vua Hùng Chiêu Vương thọ 692 năm, trị vì 200 năm; Hùng Diệp Vương làm vua 300 năm, thọ 646 tuổi! Những người xây dựng công trình tượng đài nói họ đã căn cứ vào tài liệu Giới thiệu khu di tích đền Hùngdo tác giả Vũ Kim Biên nghiên cứu, sưu tầm, Sở Văn hóa-Thông tin Phú Thọ ấn hành năm 2006.

Điều đáng nói là bộ sử khuyết danh được biên soạn sớm nhất ở nước ta vào đầu đời Trần là Việt Sử lược viết khá rõ rằng: “Đến thời Trang Vương nhà Chu (696-681 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, phong tục thuần phác, chính sự dùng lối kết nút, truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”. SáchViệt Sử lược (còn có tên khác Đại Việt Sử lược) tuy được cho là khuyết danh nhưng thật ra là do các vị sử quan đời Trần biên soạn nhưng không hiểu vì lý do nào đó đã không đề tên. Và không hiểu vì lẽ gì mà sử thần Ngô Sĩ Liên mấy trăm năm sau không tham khảo bộ sử này?

Trong tác phẩm Thế thứ các triều vua Việt Nam của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần (NXB Giáo Dục 2008), bàiThời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại viết rằng: Thời Hùng Vương chỉ bắt đầu khoảng thế kỷ 7 đến năm 208 TCN. Và sách lịch sử lớp 6 hiện nay, phần về nước Văn Lang và các vua Hùng cũng viết: “Sử cũ viết: Vào khoảng thế kỷ thứ 7 TCN, ở vùng Gia Ninh (Phú Thọ) có vị thủ lĩnh dùng tài năng khuất phục được các bộ lạc và tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Bạch Hạc, đặt tên nước là Văn Lang”. Vậy nước Văn Lang chỉ tồn tại khoảng 300 năm với 18 đời vua là thực tế lịch sử thuyết phục - tức lịch sử Việt Nam chỉ khoảng 2.700 năm chứ không phải 4.000 năm như lâu nay vẫn được lưu truyền.

Rất đáng tự hào khi tục thờ cúng quốc tổ Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tại sao vấn đề lịch sử hết sức tế nhị nêu trên chưa được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học rốt ráo để đúc kết và công bố để nhân dân không còn phải ngỡ ngàng, nghi ngại khi gặp những trường hợp như cụm tượng đài các vua Hùng ở Gia Lai.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm