Cầu do công ty vận chuyển hàng hải Messengeries Maritimes của Pháp xây dựng trong hai năm (1893-1894) bằng thép kiên cố, dài 128 m, rộng 5,2 m và hai bên lề mỗi bên rộng 0,5 m với thành cầu uốn cong hình vòm như chiếc cầu vồng sau mưa. Vì vậy, dù cầu mang tên công ty bỏ tiền ra xây dựng là cầu Messengeries Maritimes nhưng người dân vẫn gọi tên theo hình dáng cầu là “cầu Mống”. Ban đầu người ta cho cả xe cơ giới đi nhưng sau này cầu chỉ dành cho người đi bộ.
Trước năm 1975, khu vực xung quanh cầu Mống và ngay chân cầu phía đường Bến Chương Dương rất nhếch nhác, bẩn thỉu, là nơi tụ tập của giới bụi đời, vô gia cư, xì ke ma túy… Vì địa bàn cầu Mống giáp ranh giữa hai quận 1 và 4 nên hễ bị cảnh sát quận 1 bố ráp, họ chạy qua cầu Mống sang quận 4; khi bị cảnh sát quận 4 rượt thì bọn họ lại chạy ngược qua quận 1!
Cầu Mống hôm nay. Ảnh: H.GIANG
Đối diện cầu Mống, phía bên kia đường Bến Chương Dương là tòa nhà Thượng nghị viện chế độ cũ nên bấy giờ một vài tờ báo trào phúng như Con Ong, Người,Muỗi Sài Gòn… gọi châm biếm Thượng nghị viện là “Viện cầu Mống” và gọi các thượng nghị sĩ là “nghị sĩ viện cầu Mống”!
Năm 2000, cầu Mống được tháo dỡ để xây đường hầm chui sông Sài Gòn và đại lộ Đông Tây. Sau khi hầm và đường hoàn thành, cầu Mống được lắp ráp lại như nguyên bản và đúng vị trí cũ. Cùng với việc gia cố móng, người ta xây thêm những bậc tam cấp đường dẫn ở hai đầu cầu và sơn màu xanh ngọc tươi mát thay cho màu đen buồn thuở trước, cùng với hệ thống chiếu sáng mỹ thuật và các bồn hoa khoe sắc hai bên chân cầu. Khi chiều xuống, quang cảnh thơ mộng này đã thu hút đông đảo bạn trẻ hẹn nhau đến đây tâm sự.
Hiện nay cầu Mống cùng với các cây cầu mới được xây dựng tuyệt đẹp như cầu Thủ Thiêm nối quận Bình Thạnh và quận 2, cầu Bình Lợi nối quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức, cầu Ánh Sao ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7)… là nơi được đông đảo bạn trẻ - nhất là các bạn tuổi teen - chọn làm nơi hẹn hò, chụp ảnh. Phong cảnh quanh các cây cầu này rất đẹp với nhiều công trình xây dựng hiện đại soi bóng xuống các dòng sông xanh biếc trong veo. Riêng ở cầu Mống, ngoài chuyện tụ tập chụp ảnh, gặp gỡ tâm sự, một số bạn trẻ còn bắt chước trào lưu phương Tây mang những ổ khóa khóa vào cầu để biểu lộ tình yêu bền vững! Và từ đó, cầu Mống được các bạn trẻ gọi là “chiếc cầu tình yêu”.
Cầu Mống đã được xếp hạng là một trong 10 di tích lịch sử văn hóa TP.HCM từ tháng 11-2015.