Trong một lần trò chuyện với ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc (TQ) tại TP.HCM, tôi thắc mắc vì sao các công ty TQ có thể ship hàng nhanh, giá rẻ đến hầu hết quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Ông Tường đáp: Đó là nhờ hệ thống logistics, đồng thời nhấn mạnh châm ngôn “muốn làm giàu, trước tiên hãy làm đường”, tức là xây dựng cơ sở giao thông vững chắc và hiện đại.
Thực tế, hệ thống logistics của TQ có nhiều điểm cộng khi sở hữu mạng lưới vận tải hàng đầu thế giới. Trong đó bao gồm ứng dụng robot, trí tuệ nhân tạo (AI) vào kho vận để giảm tải sức lao động, tăng độ chính xác. Chính phủ nước này cũng đang đầu tư rất nhiều cho các doanh nghiệp, đặc biệt là thương mại điện tử để đưa hàng hóa TQ ra thế giới nhiều hơn, nhanh hơn.
Đáng chú ý, gần đây đất nước tỉ dân còn đẩy mạnh việc xây hàng loạt kho hàng khủng sát biên giới phía Bắc Việt Nam. Qua đó, giúp các công ty nước này tăng tốc cạnh tranh về phí vận chuyển và thời gian vận chuyển, đồng thời thuê người Việt livestream để bản địa hóa sản phẩm.
Chưa kể các sàn thương mại điện tử của TQ đang hoạt động ở Việt Nam tạo điều kiện tốt cho nhà bán hàng của nước họ mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử, khiến hàng hóa TQ càng dễ dàng thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiêu dùng Việt Nam.
Nhiều ý kiến lo lắng trước cơn lốc hàng hóa giá rẻ, mẫu mã đẹp “Made in China”. Sự lo lắng này là không thừa và hoàn toàn có cơ sở, bởi có thể nói đây là một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang, may mặc, gia dụng…
Một người bạn của tôi bất ngờ vì đặt mua chiếc váy của công ty TQ vào ngày mùng 4 Tết vừa qua nhưng tối mùng 8 Tết đã nhận được hàng, phí ship chỉ 16.300 đồng (chưa áp mã giảm giá). Trong khi đó, chị đặt một món hàng từ Hà Nội vào TP.HCM cũng phải chờ năm ngày với giá ship 32.000 đồng (chưa áp mã giảm giá).
Như vậy, rõ ràng mua hàng TQ đang khiến người tiêu dùng cảm thấy nhanh hơn, lời hơn.
Ông Trần Lâm, một doanh nhân cũng đang kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam, cảnh báo: “Nếu nhà bán hàng Việt không đổi mới thì chỉ có nước đi làm shipper cho các kho hàng biên giới Việt - Trung”.
Vậy thay đổi những gì? Theo các chuyên gia, các công ty Việt cần nâng cao chất lượng hàng hóa, khai thác những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh; cải thiện tốc độ vận chuyển, giá cước, áp dụng tối đa việc tự động hóa trong quy trình kho vận, đầu tư kho bãi có quy mô lớn… Nhưng để có được điều này, cần hơn nữa sự tiếp sức của Nhà nước về đầu tư hạ tầng, đẩy nhanh các dự án cao tốc, cũng như có cơ chế hợp lý cho việc xây dựng trung tâm logistics, xây các tổng kho sát biên giới.
Kết hợp nhịp nhàng và đồng bộ như vậy thì công ty Việt, hàng Việt mới có thể cạnh tranh với hàng TQ.