Từ ghế điện đến tiêm thuốc độc - Bài 1: Chiếc ghế không êm ái

LTS: Việt Nam chuẩn bị cơ sở vật chất và hoàn thiện quy trình, thủ tục áp dụng việc tử hình bằng tiêm thuốc độc thay thế hình thức xử bắn. Pháp Luật TP.HCM giới thiệu một số hình thức xử tử ở Mỹ, trong đó có tiêm thuốc độc để bạn đọc tham khảo.

Tử hình bằng ghế điện có xuất xứ từ Mỹ. Phương pháp tử hình này được thực hiện bằng cách trói tử tù vào một chiếc ghế gỗ đặc biệt có gắn các điện cực tiếp xúc với cơ thể tử tù. Dòng điện xoay chiều sẽ đi qua cơ thể để gây tổn thương và tử vong các cơ quan nội tạng, trong đó có não. Cú sốc đầu tiên do dòng điện gây ra làm người tù bất tỉnh và chết não ngay lập tức; cú sốc thứ hai làm chết các cơ quan quan trọng. 

Thay thế hình thức hành quyết tàn bạo

Năm 1887, bang New York thành lập một ủy ban để xác định một phương pháp hành hình mới, nhân đạo hơn nhằm thay thế hình thức treo cổ. Sau khi nghe chuyện một người say rượu bị điện giật chết một cách nhanh chóng và… không đau đớn, Alfred P. Southwick, thành viên của ủy ban, đã đưa ra ý tưởng này. 

Chiếc ghế điện đầu tiên được chế tạo bởi Harold P. Brown và Arthur Kennelly. Brown là nhân viên của Thomas Edison (người phát minh ra bóng đèn điện), ông được thuê làm việc để nghiên cứu về xử tử bằng điện và phát triển ghế điện. Kennelly, kỹ sư trưởng của Edison tại cơ sở West Orange, bang New Jersey, được giao làm việc với Brown về công trình trên.

Để chứng minh sự nguy hiểm của dòng điện xoay chiều (AC) và sự thích hợp của nó đối với việc hành quyết, Brown và Edison công khai giết chết nhiều con vật bằng dòng điện này để tô đậm niềm tin về tác dụng của nó trong việc gây ra cái chết nhanh. Đó chính là những sự kiện mà theo đó thuật ngữ “bị điện giật chết” được đặt tên, cơ sở ban đầu để ra đời chiếc ghế điện. Hầu hết các thí nghiệm của họ được tiến hành tại phòng thí nghiệm của Edison ở West Orange, bang New Jersey vào năm 1888. Với ảnh hưởng của họ, Ủy ban Cải cách thi hành án tử hình đã thông qua quy định về tử hình bằng điện xoay chiều vào năm 1889. 

Từ ghế điện đến tiêm thuốc độc - Bài 1: Chiếc ghế không êm ái ảnh 1

Một tử tù sắp bị hành quyết bằng ghế điện tại nhà tù Sing Sing vào năm 1900. Ảnh tư liệu: about.com

Người đầu tiên bị tử hình bằng ghế điện là William Kemmler tại nhà tù Auburn, New York vào ngày 6-8-1890. Nhân viên trực tiếp thi hành án là Edwin F. Davis. 17 giây đầu tiên, dòng điện khiến Kemmler bất tỉnh nhưng hệ tuần hoàn và hô hấp vẫn hoạt động. Các bác sĩ tham gia ca tử hình lại gần để kiểm tra Kemmler. Sau khi xác nhận Kemmler còn sống, bác sĩ nói to: “Đấu điện tiếp đi, nhanh lên, không được chậm trễ”. Nhưng máy phát điện phải cần thời gian để… hoạt động lại. Lần đấu điện thứ hai, Kemmler đã bị giật với hiệu điện thế 2.000 V. Các mạch máu dưới da bị đứt và máu chảy ra, những chỗ xung quanh đặt các điện cực bị cháy sém. Việc thi hành án kéo dài khoảng… 8 phút!

Người phụ nữ đầu tiên bị kết án tử hình bằng ghế điện là Maria Barbella nhưng bà đã đệ đơn kháng cáo. Vì vậy, “danh hiệu” đầu tiên này đã thuộc về bà tử tù Martha M. Place ở nhà tù Sing Sing, bang New York vào ngày 20-3-1899.

Hình thức hành quyết bằng ghế điện được bang Ohio áp dụng năm 1897, bang Massachusetts năm 1900, bang New Jersey năm 1906, bang Virginia năm 1908… Rồi nó nhanh chóng được áp dụng phổ biến tại Mỹ, thay thế hình thức hành hình bằng treo cổ. Hầu hết các bang ở phía đông sông Mississippi đang hoặc từng áp dụng tử hình bằng ghế điện. New Mexico là bang duy nhất ở miền Tây áp dụng hành hình bằng ghế điện, còn lại các bang ở đây đều sử dụng phòng hơi ngạt để tử hình sau khi hình thức treo cổ bị lui vào dĩ vãng.

Từ ghế điện đến tiêm thuốc độc - Bài 1: Chiếc ghế không êm ái ảnh 2

William Kemmler, người đầu tiên trên thế giới bị tử hình bằng ghế điện. Ảnh: Internet

Rồi cũng đến lúc hết thời

Năm 1903, một vụ tử hình bằng ghế điện bất thành xảy ra ở nhà tù Sing Sing. Fred Van Wormer bị điện giật và được tuyến bố đã chết nhưng khi đến phòng khám nghiệm tử thi, Wormer bắt đầu… thở lại. Nhân viên thực thi hành hình đã về tới nhà rồi nhưng buộc phải quay lại để… hoàn thành nhiệm vụ. Tử tù Wormer lại được đặt vào ghế điện lần nữa. Lần này, với hiệu điện thế 1.700 V chạy qua, chỉ trong 30 giây, ông ta đã “ra đi”. Tư?ng t?, n?m 1946, t? t? Willie Francis c?ng ph?i b? ?i?n gi?t l?n th? hai m?i ơng tự, năm 1946, tử tù Willie Francis cũng phải bị điện giật lần thứ hai mới chết…

Từ những sự cố trên, hình thức tử hình bằng ghế điện bắt đầu bị phê phán. Người ta cho rằng đây là “sự trừng phạt tàn bạo và bất thường”.

Năm 1946, ghế điện lại không làm chết Willie Francis. Ông này la lên: “Ngắt điện đi! Để cho tôi thở chút!” khi đang ngồi trên ghế điện. Hóa ra ghế điện được vận hành không đúng cách. Người nhà Francis kiện lên Tòa án Tối cao. Các luật sư của nguyên đơn lập luận rằng mặc dù Francis không chết nhưng thực tế ông ấy đã bị tử hình, nghĩa là phản đối việc bị lên ghế điện lần nữa. Lập luận trên bị tòa bác bỏ với lý do việc tử hình lại không vi phạm điều khoản về tiếp tục truy tố đối với một tội đã được xử rồi theo Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp. Và rồi Francis phải lên ghế điện lần hai.

Sau năm 1966, xử tử bằng ghế điện ngưng một thời gian ở Mỹ (nhưng hình thức này tiếp tục được áp dụng ở Philippines; tháng 5-1972, một tòa án Philippines cho hành hình bằng ghế điện ba tên Jaime Jose, Basilio Pineda và Edgardo Aquino vì các tội bắt cóc và hiếp dâm tập thể nữ diễn viên trẻ Maggie de la Riva vào năm 1967). Việc sử dụng ghế điện giảm dần khi các nhà lập pháp đề nghị tìm kiếm các phương pháp tử hình nhân văn hơn.

Cho đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, ghế điện vẫn còn được dùng phổ biến, trước khi hình thức tử hình bằng tiêm thuốc được chấp nhận rộng rãi vì thuận tiện và nhân đạo hơn. Tù nhân ở một số bang được chọn cái chết bằng ghế điện hoặc tiêm thuốc độc. Tại bang Florida, vào ngày 8-7-1999, Allen Lee Davis bị kết tội giết người đã phải lên ghế điện. Mặt Davis đầy máu và sau đó mấy tấm ảnh chụp cảnh này được đẩy lên Internet. Vụ hành hình Pedro Medina năm 1997 gây tranh luận khi mặt tử tù bị cháy sém.

Từ ghế điện đến tiêm thuốc độc - Bài 1: Chiếc ghế không êm ái ảnh 3

Và chiếc ghế điện “đời mới”. Ảnh: ccadp.org

Ngày 15-2-2008, Tòa án Tối cao bang Nebraska tuyên bố tử hình bằng ghế điện là “sự trừng phạt tàn bạo và bất thường”. Đồng thời, luật cấm tử hình bằng ghế điện của bang này bắt đầu có hiệu lực, dẫn đến sự cáo chung của hình thức tử hình tồn tại hơn 100 năm qua… Tuy nhiên, một số bang khác (như Alabama, Florida, South Carolina và Virginia) vẫn còn duy trì kiểu tử hình này như một phương pháp phụ để tử tù được “tự do” lựa chọn.

Những năm gần đây, tử hình bằng ghế điện giảm đi do sự gia tăng của hình thức tiêm thuốc độc mà nhiều người tin rằng sẽ nhân đạo hơn. Ở bang Kentucky và Tennessee, hình thức tử hình bằng điện giật được bãi bỏ, trừ những tội phạm bị buộc tội trước thời hạn luật bãi bỏ này ban hành (bang Kentucky là 31-3-1998; bang Tennessee là 31-12-1998).

Không cho tự tử

Đó là Donald (Peewee) Gaskins, bị hành quyết tại Columbia, bang South Carolina vì hành vi giết một bạn tù người da đen. Thực ra Gaskins bị kết án giết chín người khác nữa, tất cả nạn nhân của y đều là người da trắng (còn y thì tự cho rằng mình đã giết 181 người!). Chỉ vài giờ trước khi lên ghế điện ngày 6-9-1991, Gaskins cố tự tử bằng cách cắt cổ tay của mình với một lưỡi dao cạo mà y giấu được mấy tuần trước (y nuốt vào người, sau đó khạc ra). Người ta phải khâu cho y 20 mũi để y lên ghế điện cho lành lặn!

Ghế điện là “cái đinh” gì!

Nếu như Paul Warner Powell, là tử tù ở bang Virginia, đã chọn cái chết bằng ghế điện chứ nhất định không chịu tiêm thuốc thì Giuseppe Zangara là người coi ghế điện không ra gì! Là người từng ám sát Thị trưởng Chicago Anton Cermak, trước giờ lên ghế điện ngày 20-3-1933 tại nhà tù Raiford bang Florida, Zangara tỏ ra giận dữ vì không có máy quay ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của đời mình. Người tù gốc Ý này bèn đi thẳng đến chiếc ghế định mệnh và nói: “Nước Ý muôn năm! Xin giã biệt người cùng khổ khắp nơi… Nhấn nút đi!”.

ĐẶNG NGỌC HÙNG

Bài 2: Cái chết nhẹ nhàng

Cho đến nay, tử hình bằng cách tiêm thuốc độc có lẽ là hình thức xử tử nhân đạo nhất. Nó giúp tử tội kết liễu cuộc đời một cách nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm