30 năm trước, khu này vốn là mặt tiền của khu doanh trại công an và bộ đội biên phòng kín cổng cao tường. Một số người cao tuổi vẫn quen gọi khu này là thành Ô Ma, như cách thời Pháp gọi khu thành lính tập này (Camp des Mares).
Nhưng từ sau thời kỳ đổi mới, khu thành Ô Ma cũng đã “mở cửa” bung ra thành một phố kinh doanh ngày càng sầm uất. Mở đầu là Siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh - siêu thị hoành tráng đầu tiên trong hệ thống bán lẻ của hợp tác xã tiêu thụ Sài Gòn Co.op. Một bên đoạn phố mới này liên tiếp mọc thêm các siêu thị Hà Nội, siêu thị nội thất… và hàng loạt cửa hàng kinh doanh kéo dài sang bên đường Nguyễn Trãi, qua khỏi chùa Lâm Tế đến tận ngã ba Nguyễn Cư Trinh.
Một góc thành Ô Ma xưa - đường Cống Quỳnh ngày nay. (Nguồn: Internet)
Sau hiệp định Genève 1954, một góc thành Ô Ma - khu vực giáp với ngã ba đường Phạm Viết Chánh (hiện nay là Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng TP và Viện Quân y của Cục Hậu cần) trở thành bản doanh của ban giám sát đình chiến của Liên Hiệp Quốc, gồm đại diện các nước Canada (tư bản), Ấn Độ (trung lập) và Ba Lan (xã hội chủ nghĩa) có trách nhiệm giám sát các bên ký kết thi hành hiệp định Genève. Phần diện tích còn lại của thành Ô Ma vẫn là các cơ quan quân sự hay các cơ quan trọng yếu của các chính quyền kế tiếp, vẫn thâm u và bí hiểm với người dân.
Còn phía sau thành Ô Ma - hiện nay là con hẻm nhựa rất đẹp chạy cặp bên hông chùa Lâm Tế, với những phố lầu khang trang, sang trọng, trước kia vốn là khu Mả Lạng-Đồng Tiến, tức khu mồ mả hoang phế và những người vô gia cư, dân du thủ du thực sống cộng sinh bên cạnh đó với biết bao nhiêu tệ nạn xã hội. Chỉ nghe tới địa danh Mả Lạng nhiều người đã ái ngại. Bản thân tôi khi làm phóng sự Sài Gòn về đêm hồi 30 năm trước cũng hết sức e ngại và cảnh giác khi đến khu vực này lúc đêm khuya!
Phía trong thành Ô Ma, phía đường Nguyễn Trãi nhìn qua chợ Thái Bình, có dãy nhà trệt lợp tôn fibrô xi măng của các viên chức chế độ cũ được lưu cư sau ngày 30-4-1975 đã được xây tường tách ra, cho những người lưu cư đục tường rào mở lối đi ra đường Nguyễn Trãi. Nhờ vậy khu này ăn nên làm ra khi trở thành phố xá sầm uất. Tôi lại nhớ năm 1973 khi trốn lính, dù thuê phòng chung với một bạn họa sĩ ở cạnh rạp xi nê Khải Hoàn, góc đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi)-Cống Quỳnh nhưng đêm đến sợ bị cảnh sát khám nhà bắt lính nên thường qua ngủ ké phòng một anh bạn đang công tác ở trong thành Ô Ma cho chắc ăn!
Thời kỳ đổi mới, một người bạn tôi từ tỉnh xa về mua dạng sang tay nửa căn nhà với năm chỉ vàng! Bây giờ nhà cửa khu này tính từ chục tỉ đồng trở lên, chắc bạn đã “lên đời”! Một người bạn khác trước năm 1975 cũng ở khu này, sau đi định cư nước ngoài, giờ đã về hưu. Mấy năm trước anh về nước, bảo tôi chở anh đi thăm khu thành Ô Ma tìm lại kỷ niệm xưa. Tôi chở anh đi lòng vòng trong khu thành cũ nay là “khu phố vàng” với nhiều nhà hàng, quán ăn sang trọng, anh bạn tôi không thể nhận ra nơi ngày xưa chiều chiều anh vẫn đến ngồi nhâm nhi rượu đế với mẹt thịt chó! Chính bản thân tôi ở Sài Gòn từ lâu nay, thỉnh thoảng cũng đi ngang qua khu này, còn bất ngờ nữa là bạn tôi sau hơn 20 năm xa cách!