Trường hợp của bị cáo BS Hoàng Công Lương trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, xôn xao dư luận những ngày qua, là một trường hợp như thế. Họ còn cám ơn chân thành BS Lương vì đã tận tình chăm sóc người thân của mình trước sự cố không ai mong muốn.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà dư luận bám sát phiên xử từ thời điểm xuất hiện cuốn sổ giao ban của BV vào cuối năm 2015. Thậm chí tại tòa trong ngày xét xử thứ 10 khi được hỏi đại diện cho BV tỉnh là ông Đỗ Đình Vận (Phó Giám đốc) đã phát biểu: “Về dư luận và LS cho rằng BS Lương vô tội, tôi đề nghị HĐXX xem xét”. Ông Vận còn nói thẳng rằng BV đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của cựu giám đốc BV trong việc bồi thường.
Theo tôi, có hai vấn đề trong phiên tòa cần HĐXX nghiên cứu, xem xét thật thấu đáo trong quá trình nghị án để đưa ra phán quyết thấu tình đạt lý.
Đó là việc có hay không những bằng chứng cho thấy BS Lương bị đổ trách nhiệm sau sự cố chết chín người. Tại tòa điều dưỡng viên trưởng khoa Hồi sức tích cực là ông Đinh Tiến Công khai rằng đã ghi thêm nội dung phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo cho BS Lương sau sự cố. Khi bị HĐXX truy lý do thì ông Công nói trưởng và phó khoa phân công ghi, còn trực tiếp ai chỉ đạo thì ông không nhớ nhưng phải có sự bàn bạc của trưởng và phó khoa…
Tình tiết này có thể được coi là mấu chốt vấn đề và lời khai này như mở ra một nút thắt trả lời cho câu hỏi có hay không BS Lương được giao nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Rồi hàng loạt vấn đề về tố tụng và chứng cứ trong việc cáo buộc BS Lương được nêu ra. Chẳng hạn VKS dựa vào lời khai của nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực và các nhân chứng mà luật sư (LS) gọi đó là “lời khai khan” để cáo buộc. Cơ quan điều tra đã không mời LS tham gia hỏi cung BS Lương dù LS đã được cấp giấy bào chữa…
Đó là việc có hay không cơ quan điều tra và VKS để lọt hành vi tội phạm và người phạm tội. Sự vắng mặt của một số cá nhân có trách nhiệm tại BV, nhất là cựu Giám đốc BV Trương Quý Dương khiến dư luận đặt câu hỏi sự né tránh là có mục đích và chủ ý đổ trách nhiệm cho cấp dưới của mình.
Trong 12 ngày diễn ra phiên tòa, các LS đã dành khá nhiều thời gian để đặt và tranh luận về vấn đề này. Còn nhớ ngay phần thủ tục khai mạc phiên tòa LS đã gay gắt yêu cầu HĐXX triệu tập bằng được ông Dương đến tòa. Xuyên suốt phần tranh tụng các LS cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của người có trách nhiệm tại Công ty Dược phẩm Thiên Sơn, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế, nhân viên điều dưỡng. Một LS còn đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của cả cơ quan điều tra và VKS trong việc không kịp thời cấm xuất cảnh đối với ông Dương.
Dù luôn khẳng định cáo trạng truy tố đúng nhưng VKS tỉnh cũng đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ việc có hay không sự đối phó với cơ quan điều tra hay đổ trách nhiệm cho BS Lương. Khi kết thúc phần tranh luận, vị đại diện VKS đã phát biểu: “Với ý kiến của các LS vụ án bỏ lọt tội phạm, VKS đề nghị LS kiến nghị HĐXX xem xét trách nhiệm tiếp theo của người liên quan nếu có. VKS cũng sẽ xem xét mở rộng truy tố những người liên quan giai đoạn sau”.
Tôi nghĩ HĐXX cần suy xét thấu đáo các góc cạnh của vụ án để có một quyết định chính xác và phù hợp.
Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao