MỘT NGÀY Ở HỌC VIỆN HA GIA LAI - ARSENAL JMG - BÀI 2

Từ lớp học đến sân bóng

6 giờ sáng, sương vẫn giăng mù mịt, lạnh cóng. Các cô bảo mẫu đã sẵn sàng đồ ăn sáng cho bọn nhóc. Tiếng cười nói lao xao trong khu nhà ăn. 15 phút sau, mấy đứa nhỏ đã í ới rủ nhau đi bộ đến trường, cách trung tâm khoảng 300 m.

Phải trở thành công dân có văn hóa

Mưa bụi lất phất. Mấy chục cầu thủ nhí trong đồng phục quần xanh, sơ mi trắng còn khoác thêm áo gió của đội bóng chống lạnh. Bọn nhóc rồng rắn đến trường ồn ào như vỡ chợ. Bốn chiếc xe máy bám đầy bụi đường của các thầy cô giáo dựng ở góc sân.

Thầy Bùi Huy Giáp dạy môn lịch sử được học viện mời về từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tâm sự: “Mỗi ngày chúng tôi phải chạy xe hơn 30 km đi về. Hầu hết giáo viên đều trẻ. Ngoài đam mê, nhiệt huyết của một nhà giáo, chúng tôi còn mong muốn dạy dỗ các em ngoài đá bóng giỏi, còn phải là một công dân có văn hóa”. Thầy Giáp khoe với chúng tôi ở lớp 11 thầy dạy, có em Nguyễn Đăng Phúc học giỏi toàn diện. Năm vừa rồi môn toán em đạt 7,7, lý 7,9 và hóa 8,2 điểm. Các cầu thủ học tất cả chín môn chính khóa ở trường và còn học thêm vi tính. Mỗi đêm 2 tiếng thứ Hai, Tư, Sáu, các em học Anh văn giao tiếp và đêm thứ Ba, Năm học tiếng Pháp chuyên ngành bóng đá tại học viện.

Ngôi trường nhỏ nhắn có bốn phòng học dành cho các bạn của học viện và năng khiếu từ lớp 9 đến lớp 11. Cô Phương Trang cho các em kiểm tra một tiết môn sinh học. Sắp hết giờ, một cu cậu nài nỉ: “Cô ơi, cho bọn con thêm 10 phút bù giờ đi cô. Như đá bóng cũng có giờ “chết” mà cô”. Cô giáo nghiêm nghị: “Không có bù giờ gì hết. Em nào không ghi thời gian làm bài thì cô trừ điểm đó nghen”. Chưa chịu dừng lại, một chú nhóc khác còn lém lỉnh: “Cô phải cười nhiều vào. Cô cười xinh lắm!”.

Từ lớp học đến sân bóng ảnh 1

Không chỉ giỏi chơi bóng, Nguyễn Đăng Phúc còn là học sinh giỏi toàn diện. Ảnh: CÔNG TUẤN

11 giờ trưa, mưa vẫn rả rích. Các cầu thủ nhí trước khi ra sân tập phải ghé nhà ăn ngấu nghiến quả chuối, bịch sữa lót dạ. HLV Guillaume 34 tuổi (gọi tắt thân mật là Jom) và Minh Ninh (cựu tiền đạo của đội HA Gia Lai) đã chờ sẵn ngoài sân. Trong khi chờ đầy đủ 24 học viên, tôi đánh bạo xin phép Jom cho khởi động và học chung với các em. Jom đưa một ngón tay cái lên và gật đầu “OK”.

Học bóng đá theo công nghệ Arsenal

Giáo án của Học viện Arsenal trong mấy năm đầu tiên chỉ cho cầu thủ chơi bóng bằng chân trần, không mang giày để tạo cảm giác thân thuộc hẳn với trái bóng. Tôi len lén hỏi Lương bài khởi động ra sao, em thật thà khai báo: “Bọn con không có tập như... Việt Nam đâu chú. Mỗi bạn đều có một quả bóng và bài khởi động là tâng bóng không để rơi trong nửa tiếng”. Tôi hoảng hồn!

Nhìn sang góc sân nhỏ, Jom và các cầu thủ nhí ra trước đang chơi banh “ma” một chạm. Họ cười đùa với nhau thật vui vẻ và bật bóng nhanh như điện khiến tôi hoa cả mắt, từ bỏ luôn ý định tham lam trở thành học viên của lò Arsenal.

Sau màn khởi động tâng bóng và chơi “ma” bở hơi tai (nếu là tôi), 14 cầu thủ nhóm hai ra một góc sân căng cơ. 10 cầu thủ nhóm một còn lại tập tâng bóng không khác gì màn biểu diễn kỹ thuật đỉnh cao.

Từ lớp học đến sân bóng ảnh 2

Cầu thủ học viện tập bằng chân trần. Ảnh: XUÂN HUY

Một đầu sân dài 120 m, Văn Quý vừa chạy vừa tâng bóng bằng... hai vai dễ dàng như chơi. Đầu sân bên kia, Xuân Trường cứ một cú chạm chân phải rồi dùng đầu trả cho chân trái, quả bóng cứ lơ lửng trên không và rơi xuống các bộ phận cậu bé như đặt để. Đầu, vai, ngực, đùi, gối, má trong, má ngoài... cứ thế được 10 cậu bé trình diễn qua lại trên mặt sân lớn cứ như làm xiếc. Một đồng nghiệp của chúng tôi vừa trầm trồ vừa cho biết cầu thủ Thể Công trước đây cũng có bài tập tâng bóng chiều dài sân nhưng chỉ dùng hai mu đã hay lắm rồi, mà không phải ai cũng làm được.

Vô tình buổi tập của các cầu thủ U-21 Iran ở sân đối diện vừa xong. Họ đứng nhìn mê mẩn. Chân sút Hữu Khôi của đội tuyển U-21 Việt Nam mải miết đứng xem, tôi hỏi em làm như các đồng nghiệp nhí được không. Khôi lắc đầu, lè lưỡi: “Em chịu”.

Trời mưa mấy ngày liền làm cho mặt sân nhão ra, các em không chia đội hình chơi bóng đối kháng nữa. HLV Minh Ninh từng theo chân các HLV của Học viện Arsenal từ những ngày đầu chia sẻ: “Ban đầu nhiều cầu thủ chỉ biết tâng bóng vài cái. Sau 2-4 năm học, cầu thủ nào cũng có trình độ sàn sàn nhau, tâng bóng… mỏi thì nghỉ. Ba năm nữa, tám hoặc chín cầu thủ chơi V-League vô tư. Còn việc chuyển nhượng sang thị trường châu Á vài cầu thủ là bình thường”.

Từ lớp học đến sân bóng ảnh 3

Cô giáo Phương Trang cho các em làm bài kiểm tra môn sinh học. Ảnh: CÔNG TUẤN

Jom cho biết thêm: “Tiêu chuẩn của lò Arsenal khi tuyển sinh cầu thủ ngoài việc có căn bản đá bóng, cái chính phải là thông minh và đam mê cháy mình trên sân cỏ”. Jom mê CLB Barcelona nên mấy trận có Messi và đồng đội đá, anh đều cho bọn nhỏ xem như một cách giúp học trò thư giãn và học hỏi thêm kỹ thuật của thần tượng.

Cái đích của Arsenal là học phép lấy tấn công làm phòng ngự, hầu như họ chỉ đào tạo tiền đạo và tiền vệ. Cách dạy của Arsenal đơn giản là giúp bọn trẻ hoàn thiện kỹ năng cho đến khi trưởng thành. Minh Ninh lý giải: “Arsenal quan niệm cứ sút vào lưới năm trái thì có thua 2-3 trái vẫn thắng. Nó cho các em lối tư duy bóng đá đẹp và hướng về phía trước chứ không phải lâu nay mình hay quen gọi là trên làm dưới phá”.

Có một điều khiến nhiều người rất dễ nhầm tưởng là các cầu thủ tấn công thì khó có thể hóa thân làm hậu vệ, thủ môn. Ngược lại, tôi thấy rất cừ là đằng khác. Tôi đã chứng kiến bài sút cầu môn của các em với trò bắt bài nhau rất vui. Cái hay của nhiều cầu thủ nhí là cái kỹ năng sút cầu môn càng siêu thì càng tăng khả năng phán đoán tình huống. Bọn nhỏ thay nhau làm thủ môn và phá lưới nhau, tiếng cười đùa bay xa trên những ngọn cỏ…

Khó hơn thi ĐH

Ở đợt tuyển sinh đầu tiên năm 2007, học viện chỉ lấy 16 cầu thủ nhí trong số 7.000 thí sinh dự tuyển. Đợt 2 năm 2009 gắt gao hơn khi có đến 10.000 ứng viên chỉ chọn được 10. Sau ba năm huấn luyện, có hai em không đạt yêu cầu nghiêm ngặt theo giáo án của lò Arsenal đã chuyển xuống đội năng khiếu HA Gia Lai. 24 cầu thủ còn lại học chung ở học viện nhưng chia ra hai cấp độ, trong đó 10 em có tố chất vượt trội hơn đã thỉnh thoảng được mang giày chơi bóng. Cách đây một tháng, học viện tuyển thủ môn Nguyễn Anh Việt quê Hải Phòng, 17 tuổi, cao 1,80 m.

Mỗi tháng một lần, các cầu thủ đều phải trải qua các bài kiểm tra kỹ thuật như thi học kỳ. Kết quả sẽ gửi về cho Trung tâm Arsenal phân tích, đánh giá và phân loại học viên. Ba năm trước, các cầu thủ học viện đá với đội vô địch toàn quốc U-13 Phú Yên thắng đến 11-1. Hai năm sau, thi đấu với đội vô địch U-17 Đà Nẵng (khi ấy cầu thủ học viện là U-15) thắng luôn năm trái.

Xuất khẩu cầu thủ

Giám đốc điều hành Học viện Arsenal toàn cầu - ông Keith Edelmam khẳng định: “HA Gia Lai - Arsenal JMG là học viện thứ bảy trên toàn thế giới. Việc khai sinh sau cũng là một yếu tố thuận lợi khi chúng tôi đã đúc kết rất nhiều kinh nghiệm đào tạo từ các học viện khác. Chúng tôi cam kết sau bảy năm học, các cầu thủ đủ sức chơi cho đội tuyển quốc gia Việt Nam hoặc chơi cho các giải vô địch châu Âu, châu Á, trong đó có nguồn bổ sung cho CLB Arsenal”.

Theo đó, cầu thủ nào được chuyển nhượng sang thị trường nước ngoài thì gia đình sẽ nhận được 10% số tiền ấy. Quy định bắt buộc của Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG là cầu thủ tốt nghiệp lớp bóng đá này đều phải tốt nghiệp THPT và phải nói, viết tiếng Anh thành thạo. Arsenal có quyền chọn miễn phí một cầu thủ xuất sắc nhất trong số 24 cầu thủ đang theo học tại đây.

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm