Từ năm 2021, miền Nam sẽ thiếu điện?

Đây là cảnh báo của Bộ Công Thương đưa ra trong một báo cáo về tình hình thực hiện các dự án điện theo quy Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030).

Hàng loạt dự án chậm tiến độ

Bộ Công Thương cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự báo sản lượng điện thương phẩm đến năm 2020 theo các phương án cơ sở là 235 tỉ kWh và phương án cao là 245 tỉ kWh. Các năm 2019 - 2020 dự kiến đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW, trong đó các nhà máy điện than là 2.488 MW, thuỷ điện đạt 592 MW còn lại các dự án năng lượng tái tạo khoảng 3.800MW.

Tuy nhiên, nhiệt điện chạy dầu vẫn phải huy động với sản lượng 1,7 tỉ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỉ kWh vào năm 2020. Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ than, khí cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.

Bộ Công Thương dự báo, từ năm 2021 - 2025, dù phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên hệ thống điện không thể đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỉ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỉ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 với khoảng 12 tỉ kWh,…

Đường dây 500 KV qua Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku2 (mạch 3) đang bị chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Ảnh: TP

Các nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt nguồn điện được Bộ Công Thương chỉ ra: Các dự án nguồn điện đang chậm tiến độ, nhất là các dự án nhiệt điện ở miền Nam như dự án nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 đến nay chậm tiến độ hai năm.

Hầu hết các dự án chậm tiến độ đều gặp khó về giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ như Trung tâm điện lực Quảng Trạch, Nhiệt điện Vĩnh tân 4 mở rộng; các dự án truyền tải, nhiều công trình đường dây không thể thỏa thuận được phương án đền bù do đi qua nhiều địa phương.

Một số dự án nhiệt điện như Long An I, II không phê duyệt được quy hoạch địa điểm do địa phương không thống nhất chủ trương xây dựng nhiệt điện than; dù dự án đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, nguồn nhiên liệu cho phát điện còn tiềm ẩn rủi ro. Cụ thể, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã báo cáo dừng dự án cảng trung chuyển than ĐBSCL do không thoả thuận được địa điểm và hiện chưa có giải pháp để tiếp tục dự án. Việc cung cấp khí ở Đông Nam Bộ có nguy cơ suy giảm kể từ sau năm 2020, thiếu hụt khoảng 2-3 tỉ m3/năm sau năm 2023 và dự kiến lên tới 10 tỉ m3 năm 2030. Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang đàm phán với Malaysia để mua thêm khí bổ sung vào nguồn thiếu hụt này.

Ngoài ra, đường dây 500 KV qua Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku2 (mạch 3) để tăng cường truyền tải Bắc - Nam đã bị chậm tiến độ một năm, nếu không thể hoàn thành đường dây này đầu năm 2020 sẽ có nguy cơ thiếu điện miền Nam. Hệ thống điện gần như không còn dự phòng trong các năm 2021 - 2025 cũng ảnh hưởng đến việc cung ứng điện.

Tăng cường mua điện từ Trung Quốc và Lào

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công Thương cũng đề ra các giải pháp như khai thác thêm các mỏ khu vực Tây Nam Bộ để bổ sung khí cho cụm Nhiệt điện Cà Mau, đồng thời lựa chọn phương án nhập khẩu khí cho khu vực Tây Nam Bộ; Đẩy tiến độ của mỏ khí Cá Voi Xanh và cụm Nhiệt điện miền Trung vào năm 2023 -2024.

Cùng với đó, nghiên cứu và tính toán phương án để tăng cường việc mua điện từ Lào và Trung Quốc nhằm bổ sung công suất cho hệ thống điện, đảm bảo việc cấp điện an toàn, ổn định cho kinh tế.

“Cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán để tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, tăng mua điện từ năm 2022 qua đường dây 220 kV, và đường dây 500 kV từ 2025. Giao EVN đàm phán nhập khẩu và các điều khoản thương mại, giá điện trong từng giai đoạn" -Bộ Công Thương nêu giải pháp

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho rằng cần tăng cường chương trình tiết kiệm điện cho doanh nghiệp và người dân; khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời áp mái, nhất là khu vực miền Nam để giảm áp lực nguồn. "Các bộ ngành tiếp tục xây dựng và ban hành cơ chế mới hỗ trợ phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời,...). Về lâu dài, cần xây dựng cơ chế giá điện hợp lý, đủ sức thu hút các nhà đầu tư"- Bộ Công Thương cho hay.

Hiện nay, các dự án nguồn điện được thực hiện chủ yếu qua ba hình thức đầu tư: Các dự án do các tập đoàn nhà nước như EVN, PVN, TKV làm chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT); các dự án đầu tư theo hình thức dự án điện độc lập (IPP). Trong số các dự án có công suất lớn trên 200 MW thì có 47/62 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm