Ngày 25-4, Công ty Điện lực Sài Gòn ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái (ĐMTAM). Đây là lần đầu tiên một đơn vị thuộc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) chính thức ký hợp đồng mua điện của các hộ dân, đơn vị lắp đặt hệ thống ĐMTAM. Sau đó, phía điện lực sẽ thanh toán tiền cho các khách hàng đã ký thỏa thuận bán điện trước đó.
Vừa xài thoải mái vừa kinh doanh
Sau khi nghe thông tin về việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán điện với EVN, một số khách hàng tham dự lễ ký kết hợp đồng mua bán điện tại Công ty Điện lực Sài Gòn đã chủ động xin lắp đặt thêm ĐMTAM.
Ông Nguyễn Minh Tâm, ngụ quận 3 (TP.HCM), cho biết: “Vào thời điểm nắng nóng, đặc biệt giá điện tăng như hiện nay thì việc sử dụng ĐMTAM là một phương án rất tốt. Việc lắp đặt ĐMTAM giúp tôi tận dụng diện tích trên sân thượng của công ty. Đồng thời, chúng tôi sẽ không phải lo lắng gì về việc tăng giá điện hoặc nguy cơ thiếu điện như hiện nay. Sản lượng điện mặt trời thu được sẽ giúp tôi tiết kiệm thêm chi phí. Với lượng điện tiêu thụ như hiện nay thì chừng bảy năm nữa tôi sẽ thu hồi vốn”.
Theo ông Tâm, lượng điện tiêu thụ hiện nay của công ty ông khoảng 90 kWh/ngày, trong đó ĐMTAM đã cung cấp khoảng 80 kWh/ngày. Nhờ vậy mỗi tháng ông Tâm chỉ cần trả khoảng 300 kWh. Trước những lợi ích từ pin năng lượng mặt trời và có thể bán điện được cho EVN, ông Tâm quyết định lắp thêm ĐMTAM và liên hệ ngay với nhà cung cấp xuống khảo sát.
Tương tự, anh Nguyễn Đình Ái Huyên là hộ dân đã lắp đặt ĐMTAM vui mừng cho biết: Cách đây một năm anh có nghe nói Nhà nước sẽ mua lại điện từ hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nên anh đã tìm hiểu và quyết định đầu tư.
“Với số vốn ban đầu là hơn 100 triệu đồng, mỗi tháng gia đình cũng tiết kiệm được khoảng 300 kWh mà vẫn có thể xài điện thả ga. Sau bao ngày trông mong, hôm nay tôi cũng chính thức được ký hợp đồng mua bán điện năng lượng mặt trời với ngành điện. Đây là một nguồn năng lượng sạch, vừa được xài thoải mái, vừa có thể kinh doanh được. Sắp tới tôi sẽ giới thiệu với bạn bè để có thể cùng nhau sử dụng và kinh doanh” - anh Huyên nói.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng của EVN cũng tỏ ra lo lắng khi có quá nhiều người tham gia lắp đặt ĐMTAM thì ngành điện có đủ lực lượng để khảo sát, hỗ trợ người dân lắp đặt đồng hồ điện hai chiều không. Đồng thời, khách hàng yêu cầu EVN giới thiệu những nhà cung cấp pin có hiệu quả nhất cho khách hàng.
Nhân viên ngành điện khảo sát gắn đồng hộ đo đếm lượng điện bán lên lưới cho khách hàng. Ảnh: H.TRANG
Khách hàng sẽ nhận tiền hằng tháng
Ông Phạm Văn Thảo, Phó ban Truyền thông EVNHCMC, cho biết với nhu cầu sử dụng điện đang dần nâng cao thì để đáp ứng nguồn điện cho khách hàng, ngành điện đã và đang vận động các hộ dân, cơ quan, công ty lắp đặt ĐMTAM. Bởi TP.HCM có cường độ bức xạ lớn với 1.581 kWh/m2/năm, chỗ cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày.
Với thế mạnh trên, đến nay EVN HCMC đã vận động được 1.432 hộ dân, đơn vị lắp đặt ĐMTAM với tổng công suất trên 17.000 kWh. Tuy nhiên, trước đó phía EVNHCMC cũng chỉ làm biên bản thỏa thuận tạm thời về việc xác nhận chỉ số công tơ điện và điện năng giao nhận của dự án.
Đến ngày 25-4, Công ty Điện lực Sài Gòn (đại diện EVNHCMC) chính thức ký kết hợp đồng mua bán điện các dự án điện năng lượng mặt trời với các chủ đầu tư. Theo đó, với sản lượng điện trước ngày 25-4 sẽ được thanh toán trước ngày 15-5; đối với sản lượng điện sau ngày 25-4 thì sẽ được thanh toán định kỳ hằng tháng theo đúng thời gian thỏa thuận tại hợp đồng đã ký. Cụ thể, thời hạn của hợp đồng là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Ông Phan Vân Phong Vũ, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết theo Thông tư số 05/2019 của Bộ Công Thương, giá bán điện của hộ dân, gia đình lắp đặt hệ thống ĐMTAM cho ngành điện được tính bằng Việt Nam đồng (VNĐ) cụ thể như sau: Đối với các dự án vận hành thương mại trước 1-1-2018 là 2.086 đồng/kWh. Dự án vận hành thương mại từ 1-1-2018 đến 31-12-2018 có giá mua điện là 2.096 đồng/kWh và vận hành từ 1-1-2019 đến 31-12-2019 có giá mua điện là 2.134 đồng/kWh (giá mua điện này chưa tính thuế GTGT).
Từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện vẫn tính là 9,35 cent/kWh và được xác định từng năm dựa theo tỉ giá trung tâm của VNĐ với USD. Mức giá này nằm giữa khung bậc 3 và 4 giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thang giá sáu bậc của ngành điện. Các dự án điện năng lượng mặt trời sẽ được thực hiện theo cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ mua bán điện hai chiều.
Bà Nguyễn Ngọc Tường Vi, Quyền Trưởng ban Kinh doanh EVNHCMC, cho biết tiền điện thanh toán bằng VNĐ được xác định cho từng năm và được tính đến hàng đơn vị đồng (không làm tròn số). Hình thức thanh toán chuyển khoản và phí chuyển khoản do chủ đầu tư chịu. Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp có phát hành hóa đơn thì hằng tháng Công ty Điện lực nhận hóa đơn và thanh toán tiền điện theo hóa đơn do chủ đầu tư phát hành theo quy định. Chủ đầu tư là hộ gia đình, cá nhân không phát hành hóa đơn thì hằng tháng Công ty Điện lực thực hiện lập bảng kê để thanh toán tiền điện cho chủ đầu tư, tiền thanh toán không bao gồm thuế GTGT. |