Đến tháng 5 năm nay, con tôi sẽ tốt nghiệp. Vừa qua, tôi nghe nói Bộ GD&ĐT đã có quy định không ghi hình thức đào tạo trên bằng ĐH. Xin hỏi thông tin trên có chính xác? Khi nào thì quy định này được áp dụng?
Bạn đọc Huỳnh Nhân (nhanan…@gmail.com)
Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Ngày 30-12-2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 27 quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục ĐH, thay thế Thông tư số 19/2011.
Theo Thông tư 27, sinh viên tốt nghiệp giáo dục ĐH sẽ được cấp văn bằng và phụ lục văn bằng. Văn bằng giáo dục ĐH gồm: Bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và các văn bằng trình độ tương đương.
Theo Điều 2 của thông tư trên, các nội dung sau sẽ được ghi trên văn bằng ĐH: Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương); ngành đào tạo; tên cơ sở giáo dục ĐH cấp văn bằng; họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng; ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng; hạng tốt nghiệp (nếu có); địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng; chức danh, chữ ký, họ, chữ đệm, tên của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định; số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng. Thông tư 27/2019 có hiệu lực từ ngày 1-3-2020.
Như vậy, so với quy định hiện hành thì quy định mới đã loại bỏ việc ghi thông tin về hình thức đào tạo trên văn bằng ĐH.
Thông tin về hình thức đào tạo sẽ được ghi tại phụ lục văn bằng. Phần phụ lục cũng được ghi các nội dung về chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Cơ sở giáo dục ĐH được bổ sung các nội dung khác ghi trên văn bằng giáo dục ĐH phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời được tự thiết kế mẫu và được bổ sung các nội dung khác ghi trên phụ lục văn bằng.