Trung úy Trần Thị Thủy hiện công tác tại Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân, là người con duy nhất của liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Phương - người đã hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền trên đá Gạc Ma (Trường Sa) ngày 14-3-1988 đã gọi về cho người mẹ của mình ở đất liền. Chị vừa nói vừa khóc.
Chị Thủy được bố trí cho theo đoàn thân nhân đi tàu HQ-936 ra thăm Trường Sa vào tháng 3-2010. Khi nghe thông báo tới vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, dù say sóng nhưng chị vẫn bật dậy chạy đến mạn tàu, đôi mắt đăm đăm nhìn về phía biển, nơi hơn 20 năm trước người cha chị chưa kịp thấy mặt đã hy sinh...
Tàu HQ-604 trong sự kiện Gạc Ma, Trường Sa vào tháng 3-1988. (Ảnh tư liệu)
Tổ quốc là gì?
Tôi - một người trẻ 25 tuổi đã bật khóc khi đọc những dòng này trên mặt báo viết về sự kiện Gạc Ma trong những ngày gần đây. Sau 30 năm, nhìn những giọt nước mắt của sự mất mát, đớn đau vẫn đang chảy dài, xuyên qua nhiều thế hệ...
Lần giở những trang báo viết tiếp về sự kiện này, tôi đã tự hỏi mình rằng: Rốt cuộc thì tình yêu đất nước là gì, trong tim người trẻ như chúng tôi?
Tháng 7-2015, tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM) đã diễn ra buổi lễ cầu siêu, tưởng niệm anh linh 64 liệt sĩ Gạc Ma hy sinh vào ngày 14-3-1988. Đó cũng là thời điểm tôi mới biết và tìm đọc nhiều hơn những bài báo viết về sự kiện này, về 64 người con của đất Việt đã ngã xuống để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đó cũng là thời điểm tôi cảm nhận rõ ràng hơn về những đau thương, mất mát quá lớn lao của những người mẹ, người vợ, người con của những người lính...
Lục tìm thêm những video tư liệu về sự kiện này, nước mắt cứ vậy mà tuôn ra không cách nào ngăn lại được...
Chợt nhận ra, những con số thống kê thiệt hại, những trận đánh trên trang sử ngày còn ngồi ở giảng đường mà lũ học sinh chúng tôi thường bảo nhau là khô khan quá, dài quá, không nhớ hết... trong suốt 12 năm bỗng trở nên xa lạ. Tôi không rõ, lũ học trò chúng tôi ngày đó và lứa chúng tôi của ngày hôm nay thấy được điều gì sau những trang sử ở trường học? Những giọt máu thấm ướt lá cờ Tổ quốc, giọt nước mắt của sự chia ly, đau đớn và tan nát chảy dài trong im lặng qua nhiều thế hệ cha anh và con cháu của họ...
“Mình yêu đất nước này bao nhiêu? Mình yêu đất nước này theo cách như thế nào vậy?...” - tôi đã tự hỏi mình nhiều lần.
Để tưởng niệm 30 năm sự kiện này, báo VnExpress đã xây dựng một tượng đài trực tuyến để tưởng nhớ đến các anh.
Lật giở trang tiểu sử, câu chuyện về các anh mới càng thấm, càng hiểu lý tưởng của cả một thế hệ trẻ ngày đó. “Con đi vì nước, vì dân thì xóm làng sẽ không bỏ rơi ba mẹ” - liệt sĩ Nguyễn Bá Cường đã trả lời như vậy khi mẹ Ngò của anh hỏi: “Hai anh đã đi bộ đội, giờ con đi nữa, ở nhà ba mẹ đau ốm thì răng?”.
Còn liệt sĩ Lê Đức Hoàng thi đỗ ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn quyết đi bộ đội dù cha mẹ khuyên nên chọn nghề giáo cho đỡ vất vả. Trong lá thư gửi ngày 9-3-1988 trước khi xuống tàu đi đảo, anh viết: “Con phải đi Trường Sa cùng các anh em khác. Nơi ấy cần những người lính trẻ như con, Tổ quốc cần chúng con bảo vệ. Bố mẹ giữ gìn sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ con sẽ trở về và xây dựng gia đình. Con sẽ lấy vợ, sinh cháu cho bố mẹ bế bồng…”.
Đến cuối cùng của sự sống và cái chết, những người liệt sĩ ấy vẫn mong trở về đất mẹ, với gia đình. Những đứa con họ rứt ruột đẻ ra ra đi vì đất nước, vì lòng trai trẻ trước vận mệnh nước nhà... Nước mắt của những người cha, người mẹ, con cái của họ sau này không phải là sự oán hận vì đó là lựa chọn của chính họ.
Trước khi đứa con của mình là liệt sĩ Phan Văn Sự lên đường ra đảo, ông Bé đã dặn dò con: “Đã đi thì phải cho đàng hoàng, thấy súng đạn nổ rồi trốn chạy, về nhà tao đánh chết”.
Rồi, bản tin anh hy sinh trên chiếc loa phóng thanh treo ở tường bệnh viện cũng là lúc ông Bé ra đi vĩnh viễn... Đơn vị gửi quân trang của anh về, mẹ Muội cầm chiếc áo hải quân còn thấm mồ hôi, vị mặn muối biển, gỡ ra rồi may lại mặc. Cứ đến ngày giỗ, mẹ Muội lại mặc chiếc áo cắt may từ kỷ vật của con trai, đứng trước ngôi mộ gió của anh thì thào: “Thằng Sự của mẹ hy sinh khi bảo vệ Trường Sa”.
Từ ngày con cùng đồng đội của mình hy sinh, cụ Hoàng Dỏ, cha của liệt sĩ Hoàng Văn Tý, đều bày mâm cơm với 64 cái bát, 64 đôi đũa cúng cho con mình lẫn đồng đội đã nằm xuống giữa trùng khơi. Ông gọi chung cả 64 người lính là con. “Anh em nó sống cùng nhau, hy sinh cùng nhau. Biết đâu lúc chết chúng nó lại bấu chặt nhau dưới đó” - ông nói.
Đó, là tình yêu đất nước!
Tượng đài Vòng tròn bất tử tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Lâm, Khánh Hòa. Ảnh: TẤN LỘC
Tình yêu quê hương, đất nước từ những điều rất thật!
Những người bạn quanh tôi, khi hỏi rằng ngày 14-3 là ngày gì, điều tôi nhận được đa phần là những cái lắc đầu, cười trừ. Những người trẻ chúng tôi, đã biết gì về thế hệ cha anh đi trước của mình, về đất nước mình đang sống, chúng tôi hiểu gì về những cuộc chiến?
Còn tôi, nếu không có cơ hội chứng kiến giọt nước mắt, nghe những lời kể của các anh, các chú, người thân của những người lính, tôi cũng không rõ lòng yêu nước trong mình hiển hiện như thế nào. Gương mặt gào khóc ấy, sự thật về lịch sử ấy sẽ dễ dàng in chặt trong trái tim của mỗi người mà không cần phải học, phải ghi nhớ quá nhiều. Giọt nước mắt của những con người hứng chịu một chặng dài của lịch sử nước nhà đó sẽ níu giữ tôi, một người trẻ phải tự nhắc nhở mình về mối quan tâm dành cho đất nước này.
Người trẻ chúng tôi sẽ không bao giờ thấu hiểu hết tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ. Nhưng chỉ cần một khoảnh khắc nhìn thấy giọt nước mắt lăn dài trên đôi mắt đục ngầu, đầy nếp nhăn của những người mẹ, người cha bao năm mòn mỏi đợi tin con; giọt nước mắt cứa sâu vào tâm thức để tự nhắc nhở mình về tình yêu quê hương, đất nước. Sẽ thật khó để có thể nói tường tận về tình yêu đó hay phải gọi tên nó cho rõ ràng.
Tôi chỉ chắc chắn một điều, lòng mình không thể bội phản trước những nước mắt đã đổ xuống suốt 30 năm nay!