Như PLO đã đưa tin, ngày 29-11, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu giám đốc kiêm HĐTV Xuyên Việt Oil) 11 năm tù về tội đưa hối lộ; 19 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Các bị cáo còn lại bị tuyên mức án từ 1 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo đến 28 năm tù.
Ngoài tuyên phần hình phạt đối với các bị cáo thì HĐXX còn có những kiến nghị sau vụ án này.
Cụ thể, đối với công tác kiểm tra, giám sát quỹ BOG cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát quỹ này và yêu cầu thương nhân đầu mối xăng dầu phải công bố số dư quỹ và các tài liệu, chứng cứ chứng minh theo định kỳ hàng tháng để đảm bảo chặt chẽ minh bạch.
Cạnh đó cần sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu theo hướng quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan quản lý Nhà nước và cần thiết phải giao cho một cơ quan duy nhất có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát quỹ BOG hoặc chuyển quỹ BOG về cơ quan việc quản lý trực tiếp.
Trường hợp phát hiện có vi phạm thì chuyển ngay cho cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự. Với công tác quản lý thu tiền thuế bảo vệ môi trường, pháp luật cần quy định thời gian cụ thể mà doanh nghiệp phải nộp số tiền thuế đã thu hộ vào ngân sách Nhà nước và trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong những trường hợp không thực hiện hoặc chậm chuyển số tiền này trong thời gian đã được quy định.
Cơ quan thuế cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, có chỉ đạo cho các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền chấn chỉnh trong quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để kịp thời có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý.
Đối với việc cấp giấy xác nhận đủ điều kiện là thương nhân kinh doanh xăng dầu, pháp luật cần quy định trách nhiệm, chế tài, trách nhiệm đối với đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép sau khi cấp phép.
Trường hợp doanh nghiệp không duy trì điều kiện cấp phép thì phải kiến nghị thu hồi giấy phép và có hình thức phạt bổ sung nghiêm khắc đối doanh nghiệp và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo HĐXX trong quá trình điều tra bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh còn khai được một số cá nhân còn vay tiền của bị cáo nên cần tiếp tục đề nghị Cơ quan điều tra bộ Công an xác minh làm rõ.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) là gì?
Quỹ BOG là Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách thuộc tài chính công, tài sản công để tại doanh nghiệp là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Người đại diện pháp luật của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được Nhà nước giao quản lý, sử dụng Quỹ BOG trên cơ sở văn bản điều hành của liên Bộ Công thương và Tài chính theo quy định của pháp luật.
Theo các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở tài khoản Quỹ BOG tại ngân hàng thương mại và phải thực hiện trích tiền trên cơ sở số lượng doanh thu bán hàng để nhập vào Quỹ BOG theo thông báo điều hành giá xăng dầu Bộ Công thương với mục đích sử dụng duy nhất là bình ổn giá khi giá dầu trên thế giới biến động, cần điều chỉnh giá trong nước nhằm ổn định thị trường (pháp luật nghiêm cấm sử dụng số tiền này vào mục đích khác).
Cơ chế quản lý Quỹ BOG: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng số tiền thu nội Quỹ BOG, nhưng phải chấp hành cơ chế quản lý Quỹ BOG xăng dầu theo quy định.