Thiếu tướng Lâm Quang Đại – Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân đã khẳng định như trên trong buổi tiếp xúc của đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 3 với cử tri quận Bình Tân, sau kỳ họp thứ 3, QH khóa XIV, tại UBND phường Bình Trị Đông B, sáng 23-6.
Cử tri Nguyễn Văn Rem bức xúc về việc sử dụng đất QP nói chung và xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất nói riêng. Ảnh: LÊ THOA
Cử tri Nguyễn Văn Rem (phường Bình Hưng Hòa A) bày tỏ bức xúc: “Chúng tôi cho rằng nhà nước cần thanh tra toàn diện về đất QP, cái nào sử dụng vì mục đích QP thì để lại, còn không thì trả lại cho Nhà nước để làm các công trình công cộng phục vụ dân chứ. Riêng ở TP.HCM vấn đề sân golf TSN cũng đã được QH bàn đến, đây là bức xúc của người dân".
Về vấn đề này, ĐB Lâm Quang Đại - Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân cho biết, hiện nay hành khách có nhu cầu đi máy bay hơn tàu hỏa vì giá rất rẻ, đó là một trong những lý do dẫn đến việc tăng lưu lượng lưu hành khách. Trong khi sân bay TSN là cửa ngõ của miền Nam, có lưu lượng máy bay quốc tế lớn nhất cả nước.
Liên quan đến vấn đề xây dựng sân golf trong sân bay TSN đang được cử tri quan tâm, ĐB Lâm Quang Đại khẳng định, vừa qua Thủ tướng Chính Phủ (TTCP) đã có chỉ đạo cho Bộ GTVT và Bộ QP có giải pháp để giải quyết các bức xúc hiện nay.
“Sân golf không phải vấn đề lớn, không phải chỉ ở Việt Nam mới có sân golf. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, quan điểm Bộ QP là phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố QP An ninh. Việc xây dựng sân golf trong sân bay TSN cũng xuất phát từ việc rút kinh nghiệm một số nước trong việc tận dụng đất QP chưa sử dụng ngay. Tức đây là đất QP dự phòng nên có thể xây sân golf ở đây nhưng khi có yêu cầu phục vụ QP thì có thể giải tỏa bất cứ lúc nào” – ĐB Đại khẳng định.
Thiếu tướng Lâm Quang Đại khẳng định, sân golf Tân Sơn Nhất (TSN) xuất phát từ việc tận dụng đất Quốc phòng (QP) chưa sử dụng ngay; khi có yêu cầu thì có thể giải tỏa bất cứ lúc nào để phục vụ mục đích QP. Ảnh: LÊ THOA
Theo Tướng Đại, dự án sân golf TSN có quy mô hàng ngàn tỷ đồng, được triển khai theo các trình tự pháp lý với hơn 100 văn bản liên quan đến nhiều bộ ngành và địa phương, được TTCP (thời kỳ đó) phê duyệt về quy hoạch hệ thống sân golf đến năm 2020 và đưa vào khai thác từ 2015. Ngoài ra các giai đoạn tiếp theo của công trình phụ trợ thì chưa được triển khai.
Thiếu tướng Đại cũng cho rằng sân golf TSN bắt đầu xây dựng từ năm 2007, đây là thời điểm bức xúc của ngành hàng không không giống như bây giờ. Từ năm 2016, ngành hàng không phát triển dẫn đến bức xúc như hiện nay.
Để giải quyết tình trạng trên, trong hai năm gần đây, Bộ QP dưới sự chỉ đạo của TTCP đã điều chỉnh thế bố trí chiến lược quân sự, giải tỏa cả dưới đất lẫn trên trời để cho ngành hàng không hoạt động. Ví dụ, hệ thống vòm bê tông rất kiên cố của sân bay TSN để máy bay quân sự cũng phải giải tỏa để ngành hàng không có chỗ đậu máy bay. Riêng Quân chủng Phòng không Không quân cũng phải di dời nhiều đơn vị, còn lại các đơn vị bảo vệ sân bay.
Ông Lâm Quang Đại cũng cho biết, Bộ QP đã cho dừng 5 hạng mục tiếp theo của sân bay TSN như khách sạn, nhà hàng, nhà trẻ mẫu giáo, khu căn hộ cao tầng,… cùng Bộ GTVT và các ngành có liên quan giải quyết bức xúc tại sân bay.
Đối với vấn đề thanh tra đất QP, Thiếu tướng Đại cũng thông tin, đất QP cũng không nằm ngoài quản lý đất nói chung của Nhà nước. Bởi đất QP cũng là đất của Nhà nước, được Nhà nước giao cho QP quản lý. Ông cho hay thời gian qua có nhiều khó khăn trong quản lý đất QP, đặc biệt đất QP tại các khu vực lớn như trường bắn thường xảy ra tranh chấp, cụ thể là ở Đồng Nai, Bắc Giang;...
“Cử tri nói về việc đất QP được sử dụng sai mục đích và phải thanh tra là có và chúng tôi làm thường xuyên, quyết liệt để giữ đất sử dụng đúng mục đích. Chỉ sử dụng vào mục đích kinh tế khi đất đó là đất dự phòng” – ông Đại nhấn mạnh thêm.