Tướng Lê Đông Phong nói về đấu tranh trên không gian mạng
Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 10-1, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, đã dành thời gian nói về đấu tranh với các thế lực thù địch trên không gian mạng.
Trung tướng Lê Đông Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Theo Tướng Phong, trong những năm gần đây và đặc biệt trong năm 2018, hoạt động của các thế lực thù địch và các tổ chức cá nhân chống đối có nhiều diễn biến phức tạp, leo thang, công khai ý đồ lật đổ chính quyền.
“Trước đây là những tuyên truyền liên quan đến nhân quyền, về dân chủ, nhưng hiện nay trên không gian mạng các thế lực thù địch đang bày tỏ một ý đồ rất rõ ràng đòi lật đổ chính quyền...", ông nói.
Về phương thức, thủ đoạn, ông Phong cho biết các thế lực đang thay đổi theo hướng manh động, liều lĩnh; kết hợp giữa phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ kích động xu hướng ly khai Đảng, bỏ Đảng gắn với hoạt động biểu tình, bạo loạn, khủng bố, ám sát cán bộ khi có điều kiện.
Ông cho rằng không gian mạng là môi trường chủ yếu để thế lực thù địch triệt để lợi dụng chống phá, trước hết là lợi dụng các trang mạng xã hội kết hợp với các đài báo phản động ở bên ngoài, sử dụng các đối tượng trong nước để thu thập thông tin, trả lời phỏng vấn về các vấn đề nhạy cảm của ta, lợi dụng những thiếu sót của ta để phát tán tài liệu, video...
Các thế lực thù định tạo ra các chiến dịch truyền thông nhằm tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công trực diện vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước và hệ hống pháp luật Việt Nam; xuyên tạc bôi nhọ hạ uy tín lãnh đạo, công khai bày tỏ quan điểm đối lập, khơi gợi hận thù, ca ngợi chế độ cũ, khai thác tâm lý bức xúc của người dân, chia rẽ cuộc sống của người dân...
Hoạt động tuyên truyền của các thế lực thù địch đã tác động thúc đẩy tình hình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên hưởng ứng tham gia tụ tập biểu tình gây mất an ninh trật tự, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài với nội dung xấu, hưởng ứng phong trào bỏ Đảng...
Thứ hai là cũng thông qua không gian mạng, các đối tượng phản động hướng dẫn cách thức chế tạo chất nổ, vũ khí, cách thức tiến hành khủng bố, phá hoại, gây rối an ninh, biểu tình, livestream các vụ việc nhạy cảm, tụ tập biểu tình, khiếu kiện... để kêu gọi cộng đồng mạng và những người cơ hội chính trị tham gia bình luận, chia sẻ, tạo điểm nóng.
Qua đó, nhằm tạo ra trong mắt của quần chúng nhân dân và cộng đồng quốc tế một xã hội Việt Nam bất ổn, một nhà nước bị chia rẻ, một bộ máy công quyền tham nhũng, quan liêu...
Thứ ba, họ sử dụng internet để kêu gọi, lôi kéo tập hợp lực lượng thành lập các nhóm phản động.
Trong năm 2018, Công an TP.HCM đã phát hiện và đấu tranh hơn 10 nhóm kín có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Thông qua các cuộc đấu tranh, Công an TP đã vô hiệu được hoạt động gây bạo loạn ở sự kiện 2-9.
Theo ông, từ ngày 1 đến 4-9 là cao điểm của hoạt động chống phá, chủ yếu là lôi kéo nhau trên mạng. Các nhóm tập hợp lực lượng từ khắp nơi và phân tán địa bàn từ Hà Nội, Huế, Bình Thuận, TP.HCM và coi đây là địa điểm để tập hợp lực lượng chống đối ở toàn quốc. “Thông qua phát hiện đấu tranh, chúng ta đã phá rã và vô hiệu hóa gây bạo loạn lật đổ chính quyền”, ông Phong nói.
Ngày 22-12-2018, cũng thông qua đấu tranh với các đối tượng nhóm kín, Công an TP đã phát hiện kịp thời, huy động lực lượng để vô hiệu hóa âm mưu biểu tình. Nhóm kín này có khoảng 80 thành viên, mỗi thành viên xen kẽ liên hệ với các nhóm kín khác. "Chúng ta đã vô hiệu những nhóm nhỏ lẻ ban đầu. Qua đấu tranh ta thu được trang bị vũ khí thô sơ để tấn công lại lực lượng chức năng".
Ông Phong đánh giá đây là những tổ chức phản động trên mạng, hoạt động bài bản, tinh vi theo các bước như sau: Trước hết, theo dõi phản ứng của những người tham gia mạng xã hội hưởng ứng đồng tình trước những thông tin kích động, xuyên tạc họ đăng tải.
Sau đó, chủ động kết nối với đối tượng. Lúc đầu thăm dò, tiến tới là kích động và đánh giá xu hướng phản kháng để tạo ra sự đồng thuận trong hoạt động như biểu tình hay đòi đa đảng, lật đổ chế độ... rồi kết nạp những thành viên này. Khi đạt được sự tin tưởng nhất định thì triển khai một số phần mềm truyền thông như Skype, Viber, Zalo... hướng dẫn tạo tài khoản mới để tiếp tục trao đổi hoặc giới thiệu tham gia vào nhóm kín để kết nối với các đối tượng khác.
Khi đã tin tưởng đến cấp độ nhất định thì offline và liên hệ với nhau trên thực tế và hình thành kết nối để chống phá.
Thành phần bị lôi kéo thì rất đa dạng, chủ yếu tập trung vào sinh viên, học sinh, tầng lớp người lao động có trình độ thấp và rất nhiều người không có công ăn việc làm ổn định...
Giám đốc Công an TP.HCM cũng khẳng định công tác đấu tranh với các đối tượng thù địch trên không gian mạng vẫn còn những khó khăn nhưng chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý triệt để các thông tin xấu trên mạng, nhất là các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kêu gọi kích động biểu tình gây rối an ninh trật tự. Công tác nắm dư luận của chúng ta thì sự tiếp cận tuyên truyền chưa đủ, chưa kịp thời, thiếu linh hoạt nên chưa đánh giá hết diễn biến tư tưởng của các nhóm đối tượng này...
Ông Phong cho biết, ở Việt Nam có 64 triệu người dùng internet (xếp 13 thế giới), đây là số lượng khổng lồ đã hình thành xã hội mới trên mạng song song tồn tại với xã hội hiện thực. Xã hội này không bị phân cách biên giới. Những thành viên trên mạng không giống cư dân ngoài xã hội thực vốn có tổ dân phố, chính quyền quản lý. Trên xã hội mạng không có tổ chức nào quản lý, tương tác với nhau tự do.
Một vấn đề khác đó là tin đồn trên mạng, ông Phong cho biết tin đồn trên mạng xã hội phát tán khủng khiếp hơn xã hội hiện thực về tốc độ nhanh và diện rộng.
“Một tin đồn bắn một cái thì lan tỏa rất nhanh. Trong khi xã hội thực phải rỉ tai nhau. Xã hội ảo nó cũng gây ra sự ngộ nhận”, ông Phong nói và cho rằng trong xã hội mạng là mảnh đất màu mỡ cho sự phá hoại tư tưởng cũng như hoạt động chống đối.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Từ đó, ông Phong cho biết Công an TP đưa ra các giải pháp, trong đó cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và nhân dân để thấy rõ mặt tích cực và tiêu cực trên internet, nâng cao khả năng nhận diện và miễn nhiễm với thông tin xấu trên mạng đối với bản thân và xã hội.
Đề cập đến một vụ cưỡng chế tại một địa phương trên địa bàn TP, ông Phong nói: “Chúng ta xử lý cưỡng chế xây dựng trái phép vừa qua ở một địa phương thôi nhưng mà một kênh truyền hình nói nhà cầm quyền cướp đất của dân. Nếu như cộng đồng người Việt ở bên ngoài hay một bộ phận nhân dân không hiểu bản chất sự việc sẽ bị lệch lạc ngay và người ta sẽ bất mãn. Do đó tuyên truyền làm sao để nhân dân có một thông tin chính thống để có thể tự miễn dịch và có khả năng đấu tranh lại sự xuyên tạc là rất quan trọng”. Ông nói và cho rằng hệ thống chính trị cơ sở cần sâu sát hơn nữa với nhân dân, nắm tâm tư nguyện vọng của nhân dân để giải quyết kịp thời các bức xúc nguyện vọng của nhân dân.
Đối với các cơ quan đơn vị làm công tác tuyên truyền, ông Phong cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc thiết lập các tài khoản trên mạng xã hội để vừa nắm tình hình, vừa để tuyên truyền phản bác luận điệu của các đối tượng thù địch và tuyên truyền những thông tin chính thống, những quan điểm tư tưởng của chúng ta.
Ông Phong đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin Truyền thông tiếp tục chủ trì với các ban ngành và cơ quan báo chí cung cấp thông tin định hướng, đảm bảo thông tin nhanh, chính xác, kịp thời đến cán bộ đảng viên và nhân dân.