Báo Manila Bulletinđưa tin nhận định này đã được các chuyên gia nêu lên trong hội nghị với chủ đề “Đề xuất chính sách đối ngoại chiến lược cho tổng thống kế tiếp” do Hội đồng Quan hệ đối ngoại Philippines cùng ĐH Châu Á-Thái Bình Dương tổ chức hôm 3-5 ở TP Pasig (Philippines).
Ông Lauro Baja, Chủ tịch Hội Các đại sứ Philippines, ghi nhận rất khó trả lời câu hỏi ứng cử viên nào có đường lối đối ngoại tốt nhất vì ông “chẳng nghe được gì” từ họ về cách xử lý vấn đề biển Đông cùng các vấn đề khác về quan hệ đối ngoại và ngoại giao. Ông Lauro Baja từng là đại sứ Philippines tại LHQ, người đã giúp ASEAN và Trung Quốc đạt được Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002.
TS Alan Ortiz, Chủ tịch tổ chức San Miguel Global Power, nhận xét không nên xem nhẹ quan điểm của ứng cử viên hàng đầu Rodrigo Duterte (thị trưởng TP Davao) về vấn đề tranh chấp biển Đông. Trong vận động tranh cử cuối tuần trước ở Manila, ông này đã tuyên bố sẽ lái mô tô trượt nước đến bãi cạn Scarborough để cắm cờ Philippines nhằm khẳng định chủ quyền.
Dù vậy, tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 5-5 ghi nhận các nhà quan sát cho rằng ứng cử viên Rodrigo Duterte (71 tuổi) rất ngây thơ về âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Quan điểm của ông là đàm phán song phương với Bắc Kinh nếu trong vòng hai năm vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” hay việc tìm kiếm giải pháp đa phương không đạt kết quả.
The Diplomat cho rằng ý tưởng đàm phán song phương với Trung Quốc vừa ngây thơ vừa tự chuốc thất bại. Lâu nay các nước láng giềng với Trung Quốc luôn tìm kiếm giải pháp ngoại giao với Trung Quốc vì Bắc Kinh có bề dày lịch sử lớn hơn và có nhiều quyền lực hơn. Dù vậy, các nước láng giềng luôn vất vả bảo vệ quyền lợi một khi đàm phán song phương với Bắc Kinh.
Trung Quốc lúc nào cũng đòi đàm phán song phương trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông dù các nước láng giềng muốn thương lượng đa phương. Do vậy, nếu tính chuyện đàm phán song phương là trúng kế Bắc Kinh. Một khi đàm phán, Bắc Kinh sẽ giành lợi thế lớn vì Manila thiếu sức mạnh để gia tăng sức ép giành chủ quyền.
Tạp chí The Diplomat viết: “Philippines cần phối hợp với các nước đòi chủ quyền khác như Việt Nam và Malaysia… Vụ kiện Trung Quốc của Philippines có Việt Nam và Malaysia ủng hộ nhưng sự ủng hộ của các nước này chỉ có khi chiến lược của Manila là phản đối Trung Quốc. Vào lúc ông Duterte bước vào bàn đàm phán song phương với Trung Quốc, Philippines sẽ tách khỏi Việt Nam và Malaysia… Xem ra ông Duterte không nhớ điều này”.
Với chủ trương “chờ hai năm rồi đàm phán song phương” của ứng cử viên Rodrigo Duterte, Bắc Kinh sẽ hiểu chỉ cần chờ hai năm, Philippines tự tìm đến giải pháp Trung Quốc mong muốn là đàm phán song phương mà Bắc Kinh nắm lợi thế.
Ứng cử viên Rodrigo Duterte còn hứa sẽ dập tắt chuyện Philippines đòi chủ quyền ở biển Đông nếu Trung Quốc chịu chi tiền xây tuyến đường sắt quanh vùng Mindanao và các vùng khác giữa Manila và Bicol.
Tạp chí The Diplomatghi nhận điều này cho thấy nhận thức về quân sự và ngoại giao của ông Rodrigo Duterte quá yếu. Báo nhận định dù Trung Quốc đầu tư lớn vào hệ thống đường sắt Philippines đi chăng nữa thì Philippines cần nhớ nếu Trung Quốc củng cố được vị trí ở biển Đông, họ dễ dàng triển khai sức mạnh chống Philippines và chống các nước đòi chủ quyền. Trung Quốc sẽ có thể tạo ra một thực tế mới thay thế mọi luật pháp quốc tế.