Ứng dụng công nghệ số để… cho bò nghe nhạc

Sáng 15-10, Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam (VIDA) tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về chương trình “Bình chọn và công nhận danh hiệu Sao VIDA” dành cho các doanh nghiệp thành viên.

Chủ tịch VIDA là ông Trương Gia Bình chia sẻ: “Nông nghiệp là cơ hội làm giàu rất to lớn cho người dân, doanh nghiệp và đất nước. Vậy làm thế nào để giàu có từ nông nghiệp? Con đường duy nhất phải là nông nghiệp công nghệ cao, mà đỉnh của nó phải là nông nghiệp công nghệ số”.

Theo ông Bình, người tiêu dùng ngày càng quan tâm chất lượng nông sản và yêu cầu về chất lượng đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp phải minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình.

Ông Bình nói, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ số được coi là “trung tâm” của nông nghiệp, bởi họ có thể huy động được vốn, tổ chức sản xuất và tạo ra được điều kiện làm việc tốt nhất cho nông dân. Họ đem khoa học công nghệ vào nông nghiệp và đem nông sản ra thị trường, ra thế giới.

Họp trực tuyến với BTC Danh hiệu VIDA, ông Trương Gia Bình nói công nghệ số là đỉnh cao và là cách để nông dân, doanh nghiệp làm giàu. Ảnh: HOÀNG LONG

“Thành viên của VIDA là nhân vật trung tâm để thúc đẩy thay đổi trong nông nghiệp. Danh hiệu Sao VIDA không chỉ là việc tôn vinh, mà còn là hành động cụ thể để kết nối khoa học – chính sách – kinh doanh – thương mại – nông dân trong mục đích đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ số và giải quyết các vấn đề của nông nghiệp Việt Nam”, ông Bình nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT cũng khẳng định: “Việc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp là tất yếu, là công cụ để cải thiện chất lượng nông nghiệp và nông sản Việt Nam. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của môi trường thì không còn con đường nào khác để nâng cao chất lượng nông sản ngoài việc áp dụng công nghệ”.

Bà Thủy nói công nghệ số chính là tác nhân kết nối nông dân với thị trường, nông dân với thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Bởi lẽ hiện nay, cùng với yêu cầu cao của người tiêu dung, thì các hiệp định thương mại tự do FTA cũng đặt ra vấn đề số hóa, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… cho nông sản.

“Đây là những vấn đề quan trọng. Doanh nghiệp nông nghiệp có bền vững thì nông nghiệp mới bền vững, doanh nghiệp nông nghiệp có thắng lợi thì nông dân mới được hưởng lợi”, bà Thủy nói.

Ông Thân Văn Hùng, TGĐ Công ty Visimex, một trong những doanh nghiệp thành viên của VIDA trả lời báo Pháp Luật TP.HCM cho hay: từ khi thành lập VIDA, hầu hết các doanh nghiệp thành viên đều áp dụng công nghệ số trong các lĩnh vực của mình. Điều này nhằm gia tăng hiệu quả cho sản xuất và giá trị cho nông sản, đáp ứng yêu cầu cao của các nước trên thị trường.

Trao đổi trực tuyến với báo chí, ông Thân Văn Hùng nói từ khi VIDA được thành lập, các thành viên của hiệp hội này đã đã ứng dụng công nghệ số trong quản trị, sản xuất, kinh doanh... nông nghiệp. Ảnh: HOÀNG LONG

Chẳng hạn như với lĩnh vực nuôi tôm, công nghệ số đã được áp dụng để phân tích mẫu nước, thức ăn, quy trình chăm bón, cung cấp các dữ kiện khoa học trong nhân bản giống tôm, đáp ứng được yêu cầu quốc tế.

“Hay đối với lĩnh vực chăn nuôi gà, bò, lợn… thì đã áp dụng công nghệ số để cho bò nghe nhạc, massage cho các vật nuôi để chúng phát triển nhanh và đạt chất lượng tốt hơn. Đối với lĩnh vực trồng trọt thì đã áp dụng công nghệ chiếu sáng cho thanh long, rau sạch…”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký VIDA cho biết: Danh hiệu Sao VIDA được trao tặng cho 4 nhóm đối tượng, bao gồm: Doanh nghiệp nông nghiệp số tiêu biểu; cá nhân có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển nền nông nghiệp số; sản phẩm nông nghiệp số tiêu biểu và giải pháp, dịch vụ nông nghiệp số tiêu biểu.

Ông Tùng nói, các tiêu chí để đánh giá, bình chọn danh hiệu Sao VIDA là rất cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm